Người sắp kết hôn sẽ được khám kỹ về cơ thể (tim, phổi, gan, thận, thần kinh, cơ quan sinh dục), về tâm thần, về tình cảm… Sau đó được tư vấn những điều cần thiết về mục đích của hôn nhân, về tâm sinh lý, về tình dục và các kiến thức về sức khỏe sinh sản khác.
Sau cùng, hai người phải tiến hành thử máu, để xem bản thân họ có mắc bệnh gì không, có nguy cơ gây ra những bệnh gì không và xem nếu hai nhóm máu này kết hợp với nhau thì con cái của họ có nguy cơ gặp những bệnh gì không. Họ được cấp cho một chứng chỉ tiền hôn nhân.
Chứng chỉ đó không ngăn cấm sự kết hôn, nhưng cho người trong cuộc hiểu tình trạng thực tế sức khỏe và tâm sinh lý của mình để họ tự lựa chọn có tiếp tục kết hôn hay không, hoặc kết hôn nhưng quyết định có sinh con hay không.
Một chứng chỉ tiền hôn nhân như vậy là rất cần thiết, giúp nam nữ thanh niên “tự liệu” về cuộc hôn nhân sắp tới, tránh bị lừa dối và nhất là hạn chế được các rủi ro, hậu quả do không được khuyến cáo trước.
Chẳng hạn, một người muốn kết hôn với người đã biết rõ là người đó nhiễm HIV thì luật pháp không cấm, vì cả hai tự nguyện. Nhưng trong trường hợp một người đã biết mình nhiễm HIV (hoặc đang ở “thời kỳ cửa sổ”) nhưng không thông báo cho người kia biết, như vậy khi lấy nhau, người giấu tình trạng bệnh đã lừa dối người kia, nếu lây bệnh cho người kết hôn với mình thì dù có bị xử lý theo pháp luật hình sự cũng đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho người kia.
Trong trường hợp khác, một số người có nhóm máu nếu kết hợp với nhau sẽ có thể tạo ra những loại bệnh cho con của họ; do đó nếu biết trước họ sẽ có nhiều phương án lựa chọn hơn.
Trong bối cảnh nước ta hiện nay, rất cần đặt ra quy định về chứng chỉ tiền hôn nhân và khuyến khích các địa phương thực hiện trong điều kiện cụ thể của mình, trước mắt là các đô thị, và tập trung vào các hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Để xã hội làm quen với quy định này, đến một thời điểm thích hợp có thể đưa vào thành một quy định bắt buộc (chứ không phải khuyến khích nữa). Nên dần hình thành các quy tắc, thiết chế về tiền hôn nhân; trước mắt, các tổ chức của thanh niên và phụ nữ có thể tiến hành từ đoàn viên, hội viên của mình, từ đó lan dần ra toàn xã hội.
Cần chú ý cả 3 mặt xét nghiệm, tư vấn và giáo dục, có kết hợp chặt chẽ với nhau. Xét nghiệm đưa ra các căn cứ khoa học để có thể tư vấn cách xử sự, lựa chọn cho người muốn kết hôn, hướng dẫn cho nam nữ thanh niên nên lựa chọn cách nào tốt nhất cho bản thân, cho gia đình, cho thế hệ mai sau, cũng như có cách ứng xử phù hợp trong đời sống hôn nhân. Chú ý mức phí hợp lý để khuyến khích nhiều người tham gia. Nhà nước nên hỗ trợ một phần chi phí này, đồng thời có thể vận động sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội.
Chứng chỉ tiền hôn nhân đối với nước ta là việc khá mới mẻ, bước đầu thực hiện có khó khăn. Nhưng không vì thế mà luật pháp chưa điều chỉnh. Ở giai đoạn đầu có thể có tính mở, để xã hội dần làm quen, sau đó cần có quy định cụ thể, chặt chẽ, để góp phần giúp thanh nữ thanh niên có đời sống hôn nhân mỹ mãn.