Sau lễ tưởng niệm, TPHCM cần có một không gian, địa điểm lắng đọng để người dân có thể tới lui thăm viếng và tưởng nhớ. Nên chăng giữ nguyên một bệnh viện dã chiến đầu tiên của thành phố làm nơi tương tác xã hội và nhắc nhớ các thế hệ về “câu chuyện Covid-19”. Nơi đây, nên đặt một bia tưởng niệm chân phương, không phô trương màu mè, không bề thế giúp người viếng thăm có thể nhẹ lòng đặt một cành hoa, có phút giây dịu lại sau những gì đã trải qua trong đại dịch.
Đến hết ngày 19-11, Việt Nam đã có 23.587 người tử vong vì Covid-19; riêng TPHCM có 17.362 người, chiếm 74% tỷ lệ tử vong của cả nước. Phía sau những con số đó là cả thế giới, bầu trời của trẻ thơ mất cha, mất mẹ và cả những người cha, người mẹ mất đi những đứa con thương yêu. Sẽ chẳng có liều thuốc thần nào nhanh chóng xoa dịu những nỗi đau xót ấy, nhưng có một nghi lễ và có một không gian, địa điểm để cùng nhau chia vơi nỗi đau cũng là điều quý giá. Bởi chỉ có sẻ chia cùng nhau mới vượt qua được những mất mát tinh thần, mới đủ sức đi tiếp con đường phía trước với đầy rủi ro, trắc trở về một tương lai bất định của kỷ nguyên Covid-19.
Không gian tưởng niệm là giây phút lắng lòng trở về với thế giới nội tâm, để tưởng nhớ đến người thân, bạn bè và cả những người ta chưa quen biết, nhưng ta biết chắc họ là đồng bào của chúng ta. Họ là những chiến sĩ, tình nguyện viên… được gọi chung là lực lượng tuyến đầu, đã dấn thân vào vùng nguy hiểm để chống dịch. Những mất mát của họ có thể xem là sự hy sinh cho sự bình yên của nhiều người, trong đó có chúng ta.
Thế nên, không gian tưởng niệm để nhắc nhớ chúng ta rằng ta phải hết sức trân trọng sự sống của mình và người khác. Ta không thể bất cẩn với virus vì dịch bệnh vẫn chưa qua. Những hiểm nguy vẫn còn rình rập và tương lai yên bình hay hỗn loạn sẽ phụ thuộc vào chính cách chúng ta nhìn nhận những hiểm nguy và cách chúng ta cùng nhau vượt qua nghịch cảnh.