Ném tin lên mạng

Một trong những tiết mục được chú ý nhất trên truyền hình trong những ngày tết vừa qua là vở kịch hài Táo quân - Gặp nhau cuối năm của VTV. Trong chương trình, rất nhiều khán giả đã tâm đắc với đoạn phản ánh tình trạng hỗn loạn thông tin của một số báo mạng với các chiêu đăng tít giật gân, câu khách.

Ngay những ngày đầu năm, nhiều thông tin buồn về tình hình tai nạn giao thông xuất hiện, trong đó khá nổi bật là vụ tàu lửa húc 6 ô tô tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến 2 người chết, hàng chục người bị thương. Nguyên nhân, trách nhiệm ở vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, lại một lần nữa vấn đề thông tin trên mạng lại được nêu ra xung quanh vụ tai nạn này.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, hàng loạt tờ báo mạng đã vội vàng giật tít “Tàu lửa đâm nhiều xe hơi trên cầu, hàng loạt người chết”, “Kẹt xe trên cầu khi tàu lửa đến, rất nhiều người chết”… Có báo mạng còn vội vã ước lượng con số người chết có thể lên đến 20 - 30 người, có báo khẳng định như đinh đóng cột là có 3 người chết ngay tại chỗ, báo còn nói rõ thêm là bị mất đầu do tàu lửa cán…

Những thông tin đó được nhiều người chú ý, thậm chí là tin tưởng vì ai cũng nghĩ tàu lửa mà đâm, nhất là đâm hàng loạt thì số người chết cao cũng không phải là lạ. Sự thật thì khi tàu lửa đến khu vực này đã chạy tương đối chậm nên thiệt hại được giảm bớt khá nhiều.

Một lần nữa, vấn đề trách nhiệm thông tin trên hệ thống báo mạng lại được nêu ra. Những thông tin mà các báo mạng đưa ra đều không phải là thông tin chính thức mà thu thập từ tin đồn của người dân, không có bất kỳ căn cứ nào. Những thông tin đó được “ném” ngay lên mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, tạo nên tâm trạng hoang mang, lo lắng không đáng có.

Chưa kể, nhiều thông tin cũng thuộc dạng thu thập qua những lời đồn thổi kiểu như “gác cầu say xỉn ngủ quên”, “nhân viên đường sắt đi vắng”, “các tài xế đánh nhau để giành đường”… còn gây nên những phản ứng dư luận lệch lạc trong khi vào thời điểm đó, nguyên nhân của vụ tai nạn còn chưa kịp làm rõ.

Có người cho rằng một trong những lý do mà một số báo mạng sẵn sàng giật tít kiểu gây sốc, câu khách là do vấn đề quản lý còn chưa chặt chẽ, các báo mạng này đều dựa trên khả năng “sai thì xóa đi viết lại” để tha hồ bôi vẽ thông tin. Hầu như chẳng mấy ai quan tâm đến vấn đề vai trò trách nhiệm của người chuyển tải thông tin đến cộng đồng.

Năm 2011, với hàng loạt quy định, nghị định mới về quản lý thông tin báo chí trên mạng, hy vọng rằng những vấn đề lộn xộn về thông tin như đã diễn ra sẽ sớm được giải quyết

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục