Song, ngành nông nghiệp cho rằng đây là cơ hội để nông dân thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ để đạt giá thành thấp hơn. Việc tranh thủ xuống giống sớm cũng là điều kiện để nông dân đạt lợi nhuận cao.
“Hiện nay nước đã tràn đồng, chúng tôi đang vận động nông dân khi nước rút tới đâu sẽ vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lúa đông xuân ngay”, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), nói. Vụ lúa đông xuân 2021-2022, vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,52 triệu ha, dự kiến sản lượng trên 11 triệu tấn.
Dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, khả năng tương đương mùa khô năm ngoái. Với tình hình nguồn nước như trên, có khoảng 400.000ha diện tích ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn cuối vụ (vùng ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang) cần được xuống giống sớm vào cuối tháng 10-2021. Tháng 11-2021, là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, sẽ xuống giống khoảng 700.000ha. Trong tháng 12, tiếp tục xuống giống khoảng 400.000ha. Diện tích còn lại ở một số vùng đông xuân muộn, kết thúc xuống giống trước ngày 10-1-2022. Việc xuống giống sớm để né hạn mặn cuối vụ là một trong những biện pháp đã được các địa phương ở ĐBSCL vận dụng thành công trong các vụ lúa đông xuân vừa qua.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo hiện nay là nông dân vẫn còn thói quen lạm dụng phân bón hóa học và lượng giống gieo sạ. Giá phân bón hóa học đang tăng cao như “cơn bão” quét tan lợi nhuận của nông dân trồng lúa. Yêu cầu cấp bách hiện nay là phải đẩy mạnh kiểm soát giá cả phân bón, cần phổ biến các giải pháp giúp nông dân giảm lượng phân bón sử dụng và giảm lượng giống gieo sạ. “Giảm chi phí sản xuất lúa ở khâu sử dụng phân bón và lượng giống gieo sạ là yếu tố để giành thắng lợi vụ lúa đông xuân”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Cơ hội để giảm sử dụng phân bón hóa học
Năng suất lúa ở ĐBSCL hiện nay dao động ở mức 6-8 tấn/ha, được xem là đạt mức cao hàng đầu thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Dư địa tăng năng suất được xem là không còn nhiều. Muốn tăng hiệu quả sản xuất của nông dân, tăng sức cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam, chỉ bằng cách tập trung nâng cao chất lượng, giảm giá thành.
“Giá phân bón hóa học đang tăng cao, áp lực giảm giá thành sản xuất là cấp bách. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực để giúp nông dân thực hiện việc này nhằm tăng lợi nhuận. Đây còn là thời điểm giúp nông dân tiếp cận quy trình sản xuất phân hữu cơ, vi sinh với giá thành thấp và thân thiện với môi trường hơn”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang đang khẩn trương liên hệ để nhập khẩu phân hữu cơ từ Hàn Quốc nhằm giúp nông dân áp dụng quy trình sản xuất giá thành thấp, thân thiện với môi trường.
Thực tế, nông dân ĐBSCL đã giảm tỷ lệ dùng phân bón hóa học, thay vào phân hữu cơ, nhất là quy trình sản xuất lúa ở phân khúc cho gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Điển hình là HTX Tân Long (Hậu Giang), nơi sản xuất gạo chất lượng cao với thương hiệu Gạo sạch Vị Thủy, đã áp dụng quy trình sản xuất bón phân thân thiện với môi trường. Nông dân sử dụng cách bón phân này đã giảm giá thành được 4 triệu đồng/ha. Theo ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, vụ đông xuân 2021-2022, xã viên trong HTX sẽ tăng tỷ lệ phân hữu cơ lên 70%, phân vô cơ chỉ còn 30%.
PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Tác động của giá phân bón hóa học đang tăng cao trên thị trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của nông dân. Do đó, giúp bà con giảm chi phí sản xuất trước hết phải nghĩ đến giảm chi phí phân bón, gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, nhưng vẫn đảm bảo năng suất lúa, góp phần tăng lợi nhuận. Nông dân cũng cần khai thác tối đa các yếu tố thuận lợi để tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, chọn những giống lúa chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập. |