Thông tin được Bộ KHĐT nêu ra tại một cuộc hội thảo về huy động “tín dụng xanh” diễn ra mới đây. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang gặp khó khăn, việc huy động nguồn lực lớn như vậy là không đơn giản, song cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực.
“Tín dụng xanh” có tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2017-2022 đạt khoảng 23%, cao hơn cả mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Các doanh nghiệp có xu hướng ngày càng tuân thủ theo các tiêu chí môi trường, xã hội và bền vững (ESG), dẫn tới nhu cầu về nguồn tín dụng xanh gia tăng tương ứng, phía các ngân hàng cũng ngày càng tích cực và tự tin giải ngân cho các dự án “xanh”. Tính đến 30-9, dư nợ cấp “tín dụng xanh” đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Theo các chuyên gia trong ngành, danh mục 12 lĩnh vực “xanh” được Ngân hàng Nhà nước ban hành từ năm 2017 đến nay đã lạc hậu, trong khi hiện vẫn chưa có tiêu chí, nguyên tắc thật cụ thể để được xếp loại “xanh” và được vay vốn từ nguồn này. Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn về danh mục “xanh” và tiêu chí xác định dự án “xanh” phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp “tín dụng xanh”, phát hiện những gian lận trong việc “tẩy xanh” làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ tài chính xanh.
Mặt khác, cũng cần thấy rằng để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 thì các doanh nghiệp đang hoạt động trong những lĩnh vực được coi là “nâu” hiện nay (sản xuất xi măng, sắt thép, xây dựng; giao thông đô thị…) cũng cần nguồn vốn rất lớn để chuyển đổi sang “xanh”. Ngành lâm sản, từng đem về doanh thu xuất khẩu năm cao điểm là 17 tỷ USD, hiện phải đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị trường xuất khẩu nếu chậm đáp ứng tiêu chuẩn xanh, không gây phá rừng mà Mỹ, EU áp dụng vào năm 2027. Có nghĩa, việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ngành gỗ là cấp bách vì mốc thời gian khá gần.
Ngoài ra, nhiều khả năng EU và Mỹ cũng sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định, thì nhà xuất khẩu phải nộp thuế carbon. Khi đó, hiệu quả từ xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm. Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu thế, mà chính là tương lai của nhiều ngành sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Xu hướng xuất khẩu xanh đang tạo luật chơi mới về thương mại toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Nếu có những tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án chuyển đổi có tiềm năng, nguồn vốn “xanh” sẽ phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn nữa.
Về phía các tổ chức tín dụng, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về môi trường, nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu cấp tín dụng xanh, huy động tài chính “xanh”. So với tỷ lệ “tín dụng xanh” gần 8% ở ngân hàng các nước châu Âu, không gian cho “tín dụng xanh” ở Việt Nam sẽ còn rất lớn trong thời gian tới.