Lợi thế giới tính
Các ứng cử viên nặng ký bao gồm Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Các phương tiện truyền thông nhận định vị trí người đứng đầu chính phủ và nhu cầu ngày càng tăng trong NATO để tìm một ứng viên là những lợi thế của bà Mette Frederiksen. Tuy nhiên, một số thành viên NATO từ lâu đã ủng hộ một nhà lãnh đạo ở Đông Âu, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Bên cạnh đó, nếu Thủ tướng Đan Mạch đảm nhiệm cương vị này, NATO sẽ có Tổng thư ký với đại diện đến từ Bắc Âu lần thứ ba liên tiếp, sau ông Stoltenberg và trước đó là cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen. Ngoài ra, Copenhagen đang “bị tụt lại phía sau” trong chi tiêu quốc phòng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace là người có cả uy tín chính trị và kinh nghiệm chỉ huy quốc phòng cấp cao. Nhưng, một số quốc gia - chẳng hạn như Pháp - muốn ủng hộ một quan chức EU cho vị trí này vì họ đang mong đợi mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa NATO và EU. Theo tờ Izvestia (Nga), Stefano Stefanini, cựu đại diện thường trực của Italy tại NATO, hiện là cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI) ở Milan, cho rằng “cuộc chạy đua vào vị trí người đứng đầu NATO không phải là cuộc cạnh tranh giữa giới tính và kinh nghiệm về quân sự. Hai yếu tố cá tính và sự đồng thuận đóng vai trò lớn hơn. Sự kết hợp này rất quan trọng, vì dù một ứng cử viên rất giỏi cũng cần phải được tất cả các đồng minh chấp thuận”.
Dù sự chấp thuận có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng thực tế, một ứng cử viên có thể bị phủ quyết bởi bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào. Nhân tố mới có thể xuất hiện, đặc biệt là nếu cả bà Frederiksen và ông Wallace đều không nhận được sự chấp thuận của tất cả các thành viên NATO.
Ba khả năng lựa chọn
Tờ Politico phiên bản châu Âu tổng kết nhiều thông tin xung quanh những kịch bản tiềm năng theo ba cấp độ. Trước hết, khả năng Tổng thư ký J.Stoltenberg gia hạn nhiệm kỳ là lựa chọn được nhắc đến nhiều nhất. Cấp thứ hai bao gồm các gương mặt kế nhiệm tiềm năng gồm: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Nhóm thứ ba ít được nhắc đến hơn gồm Thủ tướng Litva Ingrida Šimonytė, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người Đức.
Mặc dù một số phái đoàn đại diện thành viên NATO muốn sớm chứng kiến một gương mặt mới, nhưng ông Stoltenberg vẫn được coi là một quan chức NATO cấp cao hiếm hoi có thể giữ bình tĩnh, và bám sát kịch bản, ngay cả trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Các nữ chính trị gia khác được đề cập bao gồm Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Ngoại giao Melanie Joly. Tuy nhiên, các quan chức cho biết, khi NATO đang tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của khối, thì thực tế Canada chi tiêu quốc phòng thấp và không phải một quốc gia châu Âu, có nghĩa là một người Canada khó có thể nhận được vai trò mới.