Bất đồng lợi ích
Mới nhất, tạp chí Der Spiegel dẫn lời nghị sĩ Đức Jurgen Trittin nhận định, NATO đang trải qua một cuộc khủng hoảng hiện sinh, khiến nó trở thành “cái bóng của chính mình”.
Trước đó, tạp chí The Economis của Anh cho đăng toàn văn bài phỏng vấn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó ông Macron nói: “NATO hiện giờ đang trong trạng thái chết não”.
Giới quan sát nhận định, dù bình luận của ông Macron gây sốc nhưng không hề mới. Ông Olivier Kempf, nhà nghiên cứu Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) của Pháp, cho rằng với những lời lẽ “lịch sự” hơn, Tổng thống Pháp chỉ nhắc lại những gì người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump đã nói từ 2 năm qua: “NATO lỗi thời, phải chia sẻ gánh nặng chi phí, NATO để làm gì?”.
Nguyên nhân nào khiến NATO rơi vào cuộc khủng hoảng hiện nay? Nghị sĩ Trittin cho rằng vấn đề chính của NATO là sự bất đồng về lợi ích của các thành viên. Sự khác biệt giữa lợi ích chiến lược trong liên minh quân sự này có thể được thấy rõ qua sự khước từ về thỏa thuận với Iran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương chấm dứt, khi không cần thỏa thuận trong NATO.
“Ngoài ra, những lời hứa của các quan chức châu Âu để đảm bảo thương mại cho Iran là hoàn toàn rỗng tuếch”, Nghị sĩ Trittin nói. Lợi ích khác nhau, khác biệt chiến lược giữa các thành viên sẽ dẫn đến việc NATO không còn có thể đảm bảo an ninh của mình.
Tự nắm lấy vận mệnh
NATO được thành lập trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sau đó, các khái niệm chiến lược của NATO đã được xác định lại để thích nghi dần với thế giới đương đại, như cuộc chiến chống khủng bố hoặc chống bất ổn chính trị đã trở thành những mục tiêu của liên minh...
Tuy nhiên, ông Kempf cho rằng, điều đó là chưa đủ khi mà thế giới hiện đang phải chứng kiến Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU-Brexit), ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu... Vì thế, câu hỏi hiện nay là phải làm gì trước một thế giới mới?
Theo quan điểm của ông Kempf, vấn đề gia tăng đóng góp chi phí quân sự mà Tổng thống Mỹ từng yêu cầu NATO phải thực hiện chưa hẳn là điều tối quan trọng. “Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta phải tập hợp với nhau. Đó mới là chủ đề thật sự. Tại sao những nước châu Âu nên hợp sức nhau mà không là với Mỹ? Ưu tiên chiến lược của Mỹ là Trung Quốc, phải chăng đó cũng là ưu tiên của chúng ta? Liệu chúng ta có nên theo Mỹ để cứu vãn liên minh hay không? Mỹ, Trung Quốc hay thậm chí các mục tiêu chiến lược khác của bản thân chúng ta đó mới chính là vấn đề nên được đặt ra”, ông Kempf nhấn mạnh.
Như vậy, khi thẳng thắn chỉ trích hiện trạng NATO, Tổng thống Pháp muốn xem xét lại mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Theo nhà phân tích Jean-Pierre Maulny, thông điệp mà nguyên thủ Pháp đưa ra rất rõ ràng: “Châu Âu phải nắm lấy vận mệnh của mình trong lĩnh vực an ninh vì nếu không, lãnh thổ sẽ không được bảo vệ và EU sẽ không có một tiếng nói trọng lượng nào trên trường quốc tế. Châu Âu không thể nào dựa dẫm mãi vào sự trợ giúp của Washington”.
Chia sẻ quan điểm trên, Nghị sĩ Trittin cho rằng, châu Âu cần phát triển chiến lược xây dựng chủ quyền bền vững, tập trung vào việc củng cố thế mạnh của mình. Trong khi đó, bà Jenny Raflik, giáo sư lịch sử đương đại về quan hệ quốc tế, Đại học Nantes, cho biết, đầu tháng 12 tới là kỳ họp thượng đỉnh khối NATO nhằm thảo luận thực sự về mối quan hệ giữa các đối tác. Theo bà Raflik, phát biểu “hơi quá lời” của Tổng thống Pháp là nhằm thúc đẩy cuộc thảo luận bên trong NATO theo hướng thích ứng với hoàn cảnh mới.