Tại cuộc họp, các ngoại trưởng đã luận bàn về phản ứng tức thời của NATO đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngoài việc điều hàng nghìn binh sĩ tới các nước ở sườn phía Đông, NATO còn lần đầu tiên cho triển khai Lực lượng ứng phó với hơn 130 máy bay chiến đấu được đặt trong tình trạng báo động và hơn 200 tàu trên biển. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đề cập đến sự cần thiết phải hỗ trợ cho các nước xung quanh khu vực căng thẳng, đặc biệt là Gruzia, Bosnia và Herzegovina.
Về quan hệ với Nga, các bộ trưởng NATO nhất trí cho rằng quan hệ giữa hai bên sẽ bị ảnh hưởng lâu dài, song NATO kiên quyết giữ các kênh ngoại giao để tránh leo thang, hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh quân sự sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để đảm bảo cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine không diễn biến trầm trọng hơn và không lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
---------------------------
Việt Nam chia sẻ quan tâm của các nước về an toàn và an ninh hạt nhân tại Ukraine
Trong hai ngày 2 và 3-3-2022, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nhóm họp khẩn cấp theo đề nghị của Canada và Ba Lan để thảo luận về tác động của tình hình tại Ukraine tới an toàn và an ninh hạt nhân cũng như hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA. Tham dự cuộc họp có đại diện 173 nước thành viên IAEA. Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA tham dự với tư cách thành viên Hội đồng Thống đốc nhiệm kỳ 2021-2023.
Trong phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết, theo các thông tin IAEA nhận được từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Ukraine, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, nơi đã từng xảy ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng vào năm 1986 đã bị chiếm quyền kiểm soát.
Theo Tổng Giám đốc Grossi, hiện chưa có báo cáo và số liệu chính thức về các thiệt hại cũng như rò rỉ phóng xạ tại các địa điểm nêu trên nhưng tình hình hiện nay đang tạo ra nguy cơ hiện hữu đối với an toàn và an ninh hạt nhân tại Ukraine. Trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ của IAEA và tính nghiêm trọng của các hậu quả do sự cố hạt nhân mang lại, Tổng Giám đốc IAEA đưa ra đề nghị 7 điểm đối với các bên liên quan nhằm bảo đảm an toàn và an ninh tại các cơ sở hạt nhân của Ukraine.
Các thành viên Hội đồng Thống đốc và các nước thành viên IAEA chia sẻ lo ngại về những diễn biến gần đây tại Ukraine, trong đó có các cơ sở hạt nhân của nước này. Canada và Ba Lan đề nghị Hội đồng Thống đốc thông qua Nghị quyết yêu cầu dừng các hành động có nguy cơ gây ra sự cố hạt nhân và tác động đến quá trình thanh sát của IAEA.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết Việt Nam lo ngại sâu sắc và chia sẻ quan tâm của các nước về an toàn và an ninh hạt nhân tại Ukraine. Đại sứ nhấn mạnh, IAEA có chức năng xây dựng khuôn khổ và hỗ trợ các nước bảo đảm an toàn và an ninh trong quá trình phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình; IAEA cũng được giao thực hiện cơ chế thanh sát nhằm bảo đảm chương trình hạt nhân của các nước không nhằm mục đích quân sự.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đề nghị các bên liên quan tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế cũng như nghiêm chỉnh thực hiện các tiêu chuẩn và hướng dẫn của IAEA về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Mặt khác, Việt Nam khẳng định IAEA là tổ chức quốc tế độc lập trong lĩnh vực chuyên môn về phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân nên mọi hoạt động và quyết định của IAEA cần được xem xét và thông qua trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này.
Hội đồng Thống đốc đã thông qua Nghị quyết theo đề xuất của Canada và Ba Lan với tỷ lệ 26 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 5 phiếu trắng và 2 nước không bỏ phiếu.
Hội đồng Thống đốc IAEA là cơ chế bao gồm 35 nước thành viên, có chức năng xây dựng chính sách cho hoạt động của IAEA trong thời gian giữa hai kỳ Đại Hội đồng IAEA.
Hội đồng Thống đốc cũng có nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất Đại Hội đồng thông qua chương trình hoạt động, ngân sách hàng năm của IAEA; xem xét việc gia nhập IAEA của các quốc gia; thông qua các Hiệp định về thanh sát hạt nhân giữa IAEA với các nước và chỉ định Tổng Giám đốc IAEA.