Biểu tượng quan trọng
Vụ phóng tàu Crew Dragon được coi là chuyến du hành lịch sử, đánh dấu lần đầu từ năm 2011, các phi hành gia Mỹ bay lên vũ trụ với sự hỗ trợ của tên lửa đẩy Falcon 9 được chế tạo trong nước và phóng đi từ lãnh thổ Mỹ. Tham gia vào chuyến bay này là Bob Behnken và Doug Hurley - 2 phi hành gia giàu kinh nghiệm của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Trong 24 giờ, họ sẽ tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và ở phòng thí nghiệm quỹ đạo.
Phát biểu với báo giới, quản trị viên của NASA Jim Bridenstine cho rằng đây là một khoảnh khắc đặc biệt khi mà tất cả người Mỹ có thể dành một chút thời gian và nhìn vào điều tuyệt đẹp mà Mỹ đã làm được lần nữa là đưa các phi hành gia Mỹ lên ISS bằng tên lửa của Mỹ và từ đất Mỹ. Nếu nhiệm vụ thành công, nó có thể đặt nền móng cho cách tiếp cận tương tự để hạ cánh trên Mặt trăng vào năm 2024. Đây cũng là cuộc đổ bộ Mặt trăng có người lái đầu tiên từ năm 1972.
Space Explective Technologies Corp (thường được gọi là Tập đoàn SpaceX) do tỷ phú người Nam Phi Elon Musk thành lập năm 2002 với mục đích chế tạo tên lửa giá rẻ để một ngày nào đó vươn tới sao Hỏa và có thể xa hơn nữa.
Vào những năm 2010, NASA đã ủy thác cho 2 công ty tư nhân là Boeing và SpaceX thiết kế và chế tạo tàu vũ trụ để tiếp quản nhiệm vụ từ các tàu con thoi nổi tiếng của Mỹ. Tàu con thoi có cánh khổng lồ, cực kỳ phức tạp, đã từng đưa hàng chục phi hành gia lên ISS trong 30 năm qua với chi phí cực lớn (200 tỷ USD cho 135 chuyến bay) - chưa kể 2 vụ nổ tàu Challenger và Columbia. Tàu con thoi Atlantis của Mỹ đã hạ cánh vào ngày 21-7-2011, cũng là chuyến bay vào không gian cuối cùng của Mỹ. Do vậy, SpaceX và Boeing đã được NASA cấp tổng cộng 7 tỷ USD để xây dựng các hệ thống vận chuyển phi hành đoàn riêng biệt theo Chương trình Phi hành đoàn thương mại - chiến dịch hàng đầu của NASA nhằm tận dụng các doanh nghiệp tư nhân cho các nhiệm vụ của ISS và hạn chế sự phụ thuộc vào tên lửa Soyuz của Nga.
Crew Dragon chính là sản phẩm của SpaceX. Con tàu này được thiết kế rất khác các tàu con thoi trước đây. Nhà du hành Jean-François Clervois, đồng thời là người sáng lập Air Zero G, cho biết: “Crew Dragon không có cánh, vì vậy nó sẽ không hạ cánh trên đường băng như tàu con thoi khác. Lợi thế lớn của Crew Dragon là kích thước nhỏ, độ an toàn cao. Crew Dragon có thể được đặt trên đầu tên lửa đẩy và dễ dàng tách khỏi tên lửa an toàn”.
Mũi tên trúng 2 đích
Tổng thống Donald Trump đã tham dự lễ phóng tàu Crew Dragon và coi đây là biểu tượng cho chiến lược thống trị không gian của Mỹ về mặt quân sự (như thành lập Lực lượng Không gian) và dân sự (NASA trở lại Mặt trăng vào năm 2024). Sự kiện này còn mở đường cho việc đưa du khách khám phá không gian, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các nhiệm vụ của ISS.
“Chúng tôi tưởng tượng trong tương lai sẽ có nhiều trạm vũ trụ nằm trong quỹ đạo Trái đất và được điều hành bởi các doanh nghiệp tư nhân”, quản trị viên của NASA Jim Bridenstine bày tỏ.
Đối với ông chủ của SpaceX Elon Musk, vị tỷ phú này còn nhắm tới mục tiêu xa hơn: Đưa 3 khách du lịch lên trạm ISS vào nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, SpaceX đang nghiên cứu chế tạo tàu vũ trụ Starship thăm dò Mặt trăng và xa hơn là sao Hỏa. Nếu thành công, chiếc vé du lịch tới Mặt trăng chắc sẽ có giá hàng chục triệu USD.
Hai phi hành gia Robert Behnken và Douglas Hurley bay đến ISS trong trang phục siêu anh hùng, với 2 tông màu trắng và xám do nhà thiết kế nổi tiếng Hollywood Jose Fernandez thực hiện theo đơn đặt hàng của ông chủ SpaceX vào năm 2016. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, nhà thiết kế Jose Fernandez cho biết, ông tham gia cuộc thi thiết kế trang phục cho nhà du hành của SpaceX.
“SpaceX yêu cầu nhà thiết kế phải hoàn thành sản phẩm trong 2 tuần. Tôi đã nói với họ rằng, tôi không thể làm được và khoảng thời gian đó chỉ có thể làm một chiếc nón bảo hiểm. Có 4 công ty khác lọt vào vòng cuối. Elon Musk nói rằng, ông ấy ghét tất cả mọi thứ, trừ chiếc nón bảo hiểm. Tôi đã làm việc với Elon Musk trong 6 tháng và cuối cùng đã tạo ra bộ đồ ưng ý”.
Theo nhà thiết kế Jose Fernandez, Elon Musk muốn bộ trang phục giống như “làn khói trong không gian”. Khi khoác lên mình bộ trang phục này, các phi hành gia của SpaceX trông giống James Bond bước ra từ không gian, sang trọng hơn nhiều so với bộ trang phục vũ trụ truyền thống của NASA.
Tái hiện lịch sử
Tàu con thoi của NASA, chính thức được gọi là Space Transportation System (STS), nghĩa là Hệ thống chuyên chở vào không gian, từng là phương tiện phóng tàu vũ trụ có người điều khiển từ 1981 đến 2011 của Chính phủ Mỹ. Trạm quỹ đạo (tàu con thoi) có cánh được phóng lên thẳng đứng, thường mang theo 5 - 7 phi hành gia và hơn 22 tấn hàng hóa vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Khi chuyến bay đã hoàn thành, nó khai hỏa các động cơ đẩy đổi hướng để rơi ra khỏi quỹ đạo và tái nhập vào khí quyển của Trái đất. Trong suốt quá trình giảm độ cao và hạ cánh, tàu con thoi như một phương tiện trượt và hạ cánh hoàn toàn không dùng một động cơ đẩy nào.
Sau 30 năm hoạt động, chương trình này đã mang lại những đóng góp rất lớn cho khát vọng thám hiểm vũ trụ của nhân loại. Sứ mệnh hoàn thành nhưng giá quá đắt với 2 tai nạn thảm khốc gây thiệt mạng 14 phi hành gia. Theo RFI, 6 tàu con thoi Enterprise, Colombia, Challenger, Discovery, Endeavour và Atlantis đánh dấu một giai đoạn thám hiểm không gian ngoạn mục nhưng không kém phần bất trắc. Từ khi tàu Colombia thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 12-4-1981 đến chuyến cuối cùng của Atlantis khi trở về Trái đất ngày 21-7-2011, NASA thực hiện tổng cộng 135 chuyến du hành vào vũ trụ.
Từ nhiệm vụ đầu tiên là đưa vệ tinh lên quỹ đạo, 5 tàu con thoi đã góp phần vào kế hoạch xây dựng Trạm ISS, tạo bàn đạp thực hiện những cuộc thám hiểm khác trong tương lai. Vì là tàu thử nghiệm nên Enterprise không trực tiếp tham gia công tác này. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thành công lớn của chương trình tàu con thoi là đưa kính viễn vọng Hubble lên không gian cũng như vận chuyển người và vật liệu xây dựng Trạm ISS, “chìa khóa” mở thêm cổng vũ trụ trong tương lai.
Ngoài tai nạn của tàu Challenger vào chuyến đi năm 1986 và Colombia trên chuyến về năm 2003, chương trình tàu con thoi chi 208 tỷ USD - so với chương trình Apollo lần đầu đưa người lên Mặt trăng năm 1969 tốn đến 159 tỷ USD.