Theo ông Đặng Phú Thành, với việc hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm, đạt tỷ lệ 71% lượng nước thải sinh hoạt đô thị đã qua xử lý trước khi thải ra môi trường. TPHCM cũng đã giao Sở KH-ĐT phối hợp các sở ngành liên quan tiếp tục đầu tư các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch chung của thành phố. Hiện các dự án đang tiến hành đảm bảo tiến độ đã đề ra. UBND thành phố cũng ưu tiên đầu tư các dự án cấp thoát nước và xử lý nước thải.
Theo ông Nguyễn Viết Vũ, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên nước, khoáng sản và biển đảo, Sở TN-MT TPHCM, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố là 644.000 m3/ngày, mới đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày. Như vậy còn 60% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng môi trường. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố cũng đề ra mục tiêu tới năm 2025, lượng nước thải sinh hoạt qua xử lý trước khi thải ra môi trường đạt trên 75%, tới năm 2030 là 88%. Để đạt được mục tiêu này, phải xây dựng các hệ thống xử lý nước thải - việc này là rất cấp thiết.
Đối với những băn khoăn của cử tri về ảnh hưởng của các nhà máy xử lý nước thải tới những hộ dân xung quanh, ông Nguyễn Viết Vũ khẳng định, việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn theo quy định pháp luật thì việc đảm bảo môi trường, sức khỏe người dân là hoàn toàn thực hiện được, mong người dân tiếp tục ủng hộ chủ trương chung.
Về vấn đề đảm bảo nguồn cấp nước, ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn - Sawaco cho biết, hiện Sawaco đảm bảo nguồn nước cấp cho 10 triệu dân TPHCM, với tổng công suất cấp nước của toàn hệ thống đạt 2,4 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, lượng nước phát ra mạng lưới cấp nước 2 triệu m3/ngày đêm, công suất còn lại để dự phòng.
Theo ông Sử, với tốc độ phát triển của TPHCM về dân số thì Sawaco đã chủ động các giải pháp nhằm nâng công suất. Cụ thể, từ năm 2025, Sawaco sẽ nâng tổng công suất cấp nước của toàn hệ thống đạt 2,9 triệu m3/ngày đêm, tới năm 2030 là 3,6 triệu m3/ngày đêm. Để đạt được các mục tiêu trên, Sawaco đã chủ động đầu tư xây mới 2 nhà máy nước là Nhà máy nước Kênh Đông II (công suất 250.000 m3/ngày đêm) và Nhà máy nước Thủ Đức IV (công suất 300.000 m3/ngày đêm). Bên cạnh đó, Sawaco đã trình UBND TPHCM về việc xin cải tạo 45 trạm cấp nước giếng trên địa bàn để làm nguồn dự phòng cho thành phố.
Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TPHCM cho biết, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tăng cường xã hội hóa để thực hiện các kế hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu về cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập... nhằm cải thiện chất lượng sống của người dân và bảo vệ môi trường sống; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy cấp nước, xử lý nước thải; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý.
Liên quan tới sự cố người dân ở chung cư Ehome S, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức bị gián đoạn cấp nước sinh hoạt tối 3-4 tới sáng 4-4, ông Sử thông tin, lý do gián đoạn là để thi công đấu nối tuyến ống D400 Mai Chí Thọ để đấu nối vào tuyến ống khác. Sau khi hoàn thành thì đã cấp nước trở lại, nhưng khu vực chung cư Ehome S nằm ở cuối nguồn nên nước yếu, tới chậm. Để không xảy ra tình trạng này trong thời gian tới, Sawaco sẽ triển khai đấu nối với tuyến ống D5000 trên đường Đỗ Xuân Hợp để tăng cường lưu lượng nước.
Việc nước yếu, thiếu là vấn đề mà một số khu vực ở xa, ở cuối nguồn như Bình Chánh thường gặp phải. Ông Nguyễn Thanh Sử cho biết, hiện tại thì tổng công ty liên tục theo dõi trên hệ thống để điều tiết lưu lượng và tăng cường áp lực nước trên tuyến ống kịp thời. Về giải pháp lâu dài, Sawaco đã tiến hành 2 dự án lắp đặt tuyến ống truyền tải D1200 trên đường Nguyễn Cửu Phú và D1000 trên đường Nguyễn Văn Linh (đã hoàn thành và đưa vào vận hành vào quý 2 – 2024).