Nâng tầm thương hiệu từ chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Nam Ô

Mới đây, nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn di sản cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng tầm giá trị cho sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Chỉ dẫn địa lý là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Chỉ dẫn địa lý là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Khẳng định thương hiệu cộng đồng

Gia đình anh Bùi Thanh Phú (sinh năm 1986, cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có truyền thống làm nước mắm đã gần 100 năm.

Trải qua 3 thế hệ, nghề mắm làng Nam Ô đến nay vẫn được duy trì và truyền lại cho con cháu trong gia đình. Là thế hệ thứ 3 tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, theo anh Phú, nghề nước mắm gắn liền với lịch sử của làng Nam Ô và mang lại cuộc sống sung túc cho người dân. Vì vậy, việc xác nhận vùng chỉ dẫn địa lý giúp người tiêu dùng nhận diện đúng và nâng tầm giá trị sản phẩm của làng nghề.

“Đây là một hành lang pháp lý để bảo vệ cho người dân làm nước mắm Nam Ô. Xác định được cái vùng địa lý sản xuất nước mắm Nam Ô, các hộ sản xuất nước mắm Nam Ô cũng như quy trình chuẩn để sản xuất ra một cái chai nước mắm đúng chuẩn Nam Ô. Thông qua đó, chúng tôi có được sự quản lý nghiêm ngặt về sản phẩm, sự đồng bộ về chất lượng sản phẩm”, anh Phú chia sẻ.

z5613654090062_ce489a35107f1c63f23be0576af3d7cd.jpg
Một cơ sở đang sấy khô, dán nhãn và đóng gói sản phẩm nước mắm Nam Ô. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Khu vực địa lý của mắm Nam Ô được công nhận tại các khối phố thuộc quận Liên Chiểu. Mắm chỉ dùng 2 nguyên liệu chính là cá cơm than và muối biển Sa Huỳnh, hoặc muối Cà Ná, được trộn theo tỷ lệ và ủ trong các lu, thùng từ 12 tháng đến 16 tháng.

Mắm có màu nâu cánh gián, vị mặn, hậu vị ngọt đậm kéo dài, mùi thơm dịu đặc trưng. Nước mắm Nam Ô đặc biệt ở chỗ sở hữu "bốn không": không có hóa chất, không chất tạo màu, không chất tạo mùi và không có chất bảo quản.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, nhìn vào chỉ dẫn địa lý, người ta biết được làng Nam Ô có một đặc sản là làm nghề nước mắm. Có chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” như sự công nhận về uy tín, danh tiếng, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Từ đó, giúp nâng tầm giá trị thương hiệu của cộng đồng, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

z5613654050156_497af1137742dd313e1eba0d22e97ec1.jpg
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô phân tích về điểm đặc biệt của nước mắm Nam Ô. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hiện nay, làng nghề nước mắm Nam Ô duy trì với 71 thành viên, trong đó có 3 hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng.

Mỗi năm, sản lượng nước mắm tiêu thụ đạt từ 200 đến 300 nghìn lít, ngoài ra còn có một số sản phẩm khác như mắm ruốc, mắm cái, cá khô các loại, bình quân đạt từ 25-30 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 220 lao động.

Quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý

Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của TP Đà Nẵng và là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước (gồm nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết và nước mắm Nam Ô).

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cho rằng, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” là tài sản mang tính cộng đồng, giá trị của sản phẩm cần được xây dựng bởi cộng đồng và vai trò của cộng đồng trong quá trình phát triển chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng. Việc công nhận chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của TP Đà Nẵng mới là bước đi đầu tiên. Các đơn vị, địa phương cần phải hoàn thiện quy trình quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý để bảo tồn chất lượng và danh tiếng của sản phẩm.

Đến nay, UBND quận Liên Chiểu xây dựng đội tàu 6 chiếc có công suất từ 20-145 CV để đánh bắt cá cơm phục vụ nguồn nguyên liệu cho bà con làng nghề sản xuất nước mắm.

Bên cạnh đó, địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường như xây dựng sơ đồ hướng dẫn hệ thống giao thông trong làng nghề, các vị trí di tích lịch sử, văn hóa, chỉ dẫn đến các cơ sở sản xuất của làng nghề.

Quận đã tiến hành cấp giấy chứng nhận biển số nhà cho khu dân cư; đầu tư và cải tạo hệ thống mương thoát nước, đường bê tông, điện chiếu sáng theo kế hoạch hàng năm.

z5612212840479_92f57b43671346485d22a090584938a0.jpg
TP Đà Nẵng đón nhận văn bằng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm truyền thống

Theo ông Trần Công Nguyên, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động xây dựng thương hiệu hơn nữa để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, cơ sở làm sao phát huy tối đa lợi thế khi đã được sở hữu trí tuệ. Câu chuyện khai thác sẽ là vừa phát triển sản phẩm vừa kết hợp du lịch cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục