Ngoài ý nghĩa tôn vinh, LHP còn là cơ hội quảng bá hình ảnh, tăng tính kết nối và góp phần phát triển du lịch, kinh tế. Năm 2023 đánh dấu 20 năm giải Cánh diều lần đầu tiên được tổ chức. Trong 2 kỳ diễn ra gần đây tại Nha Trang (Khánh Hòa), các hoạt động được tổ chức đa dạng hơn.
Năm nay, ngoài phần trao giải, ban tổ chức còn có các hoạt động bên lề như: công trình Bức tường danh vọng vinh danh tác phẩm cá nhân từng thắng giải Cánh diều, chiếu phim miễn phí, tọa đàm, giao lưu nghệ sĩ và công chúng, liên hoan văn hóa - ẩm thực - điện ảnh, tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, kết hợp quảng bá tiềm năng du lịch… Đó là lý do ban tổ chức không giấu tham vọng biến sự kiện, từ một giải thưởng của hội nghề nghiệp trở thành Festival điện ảnh - du lịch mang tầm quốc gia.
Không riêng giải Cánh diều, các giải thưởng, LHP tại Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ cả về diện mạo, số lượng và chất lượng. Đặc biệt là Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2023 đã xác định điện ảnh là ngành công nghiệp, ngành kinh tế.
“Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa sử dụng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh” - điều 3 trong luật nhấn mạnh. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh đã có nhiều bước tiến tích cực. Vai trò của điện ảnh trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng liên tục được đề cao.
Một trong những hành động cụ thể là sự ra đời của LHP châu Á Đà Nẵng lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, được đánh giá tiệm cận với mô hình các LHP quốc tế. Sắp tới, TPHCM - trung tâm điện ảnh của cả nước - cũng sẽ có 2 LHP dự kiến được tổ chức định kỳ hàng năm. Đầu tiên là LHP ngắn thành phố, sẽ diễn ra trong tháng 10. Tiếp đó, vào tháng 4-2024, LHP quốc tế TPHCM sẽ lần đầu tiên được tổ chức.
Đại diện Sở VH-TT TPHCM nhấn mạnh, đây sẽ là hoạt động văn hóa thường niên, trở thành thương hiệu riêng của TPHCM với tư cách là địa điểm phân phối, phát hiện tài năng, là sân chơi nghệ thuật. Suốt thời gian qua, công tác tổ chức đã được tiến hành khá khẩn trương với mong muốn sự kiện không chỉ tiệm cận mô hình các LHP quốc tế mà còn tạo ra dấu ấn, bản sắc riêng, đồng thời qua đó góp phần phát triển du lịch, kinh tế, xã hội TPHCM.
Nâng cao thương hiệu điện ảnh Việt thông qua các giải thưởng, LHP yếu tố cốt lõi vẫn là phải tập hợp được nhiều bộ phim chất lượng; đội ngũ các nhà làm phim, giám khảo uy tín cả trong nước và quốc tế; trao giải cho những tác phẩm xứng đáng… Đây cũng là thách thức diễn ra ở nhiều giải thưởng, LHP tại Việt Nam thời gian qua. Cánh diều dù được ví như “giải Oscar của Việt Nam” nhưng từng nhận không ít ý kiến trái chiều về công tác tổ chức, chấm giải. LHP Việt Nam diễn ra 2 năm một lần cũng vướng những tranh cãi về tính thuyết phục của kết quả giải thưởng và bài toán đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Để duy trì sức hút và sức ảnh hưởng luôn là vấn đề khó khăn ngay cả với những LHP, giải thưởng đã có tuổi đời 70, 80 năm, thậm chí hơn 90 năm như Oscar. Với điện ảnh Việt, bao gồm cả các LHP, giải thưởng đã có tuổi đời vài chục năm cho đến những sự kiện vừa được tổ chức thì thách thức là điều hiển nhiên. Do đó, nó đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tính linh hoạt, chủ động, nhạy bén và không để mình lạc hậu theo dòng chảy điện ảnh thế giới.