Xác nhận chuyến vận hành
Vào lúc 5 giờ 38 phút sáng 12-12, xe buýt 50LD - 102.02 của hãng Saigon Star chạy theo lộ trình Bến Thành - Cộng Hòa - An Sương, mã số tuyến 04, khởi hành chuyến đầu tiên tại đầu bến xe buýt Sài Gòn. Sau đó chưa đầy một giờ, vào lúc 6 giờ 31 phút, chuyến xe buýt này đã về đến bến cuối tại đầu bến xe buýt An Sương, kết thúc lộ trình sớm hơn thời gian kế hoạch 2 phút. Tất cả thông số thống kê của xe buýt 50LD - 102.02 được ghi nhận hoàn toàn tự động bởi hệ thống kiểm soát và quản lý xác nhận chuyến thông qua công nghệ RFID.
RFID là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến, cho phép thiết bị đọc thông tin chứa trong chip ở khoảng cách xa mà không cần tiếp xúc trực tiếp, không thực hiện bất kỳ giao tiếp vật lý nào giữa 2 vật không nhìn thấy nhau. Đây là công nghệ mới, tiên tiến và đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới.
Bạn đọc Báo SGGP cần thông tin chính xác về luồng tuyến xe buýt, công tác bán vé xe tại các bến xe khách liên tỉnh của TPHCM trong dịp Tết Dương lịch 2019 và Tết Kỷ Hợi sắp tới, có thể gửi câu hỏi đến địa chỉ email antoangiaothongsggp@gmail.com. Chúng tôi sẽ chuyển đến cơ quan chức năng và có câu trả lời sớm nhất tới bạn đọc. |
Vẫn theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM Trần Chí Trung, các tính năng và cũng là ưu điểm nổi trội của hệ thống bao gồm tự động ghi nhận xe buýt ra - vào bến; cung cấp công cụ đối soát, hậu kiểm để đảm bảo kết quả được khách quan, độc lập; cung cấp công cụ truy vấn nhật ký ra - vào bến của bất kỳ xe buýt nào; cung cấp công cụ mở rộng ứng dụng tự động ghi nhận xe buýt ra - vào bến, đáp ứng quy trình khép kín; có khả năng kết nối và tích hợp vào hệ thống lõi quản lý, điều hành hoạt động xe buýt thành phố.
Hiện công tác thi công dự án đã hoàn tất nhưng trước mắt vận hành thí điểm tại 3 bến xe buýt. Đó là bến xe buýt Công viên 23 - 9, bến xe buýt An Sương và bến xe buýt khu B Đại học Quốc gia TPHCM. Bước đầu vận hành thí điểm trên 125 xe buýt hoạt động trên 4 tuyến, gồm các tuyến: Bến Thành - Cộng Hòa - An Sương (mã số 04), Bến Thành - Âu Cơ - An Sương (mã số 27), Bến xe An Sương - Suối Tiên - Đại học Quốc gia TPHCM (mã số 33) và Bến Thành - Cách Mạng Tháng Tám - Bến xe An Sương (mã số 65). Qua đầu năm 2019, việc vận hành hệ thống công nghệ RFID sẽ được mở rộng ra toàn hệ thống xe buýt thành phố.
Lợi nhiều bề
Giới chuyên môn nhận xét rằng, việc đưa vào vận hành hệ thống kiểm soát và quản lý xác nhận chuyến hoàn toàn tự động thông qua công nghệ RFID đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, hành khách và doanh nghiệp vận tải xe buýt.
Về phía cơ quan nhà nước, với hệ thống tự động RFID, công tác quản lý, điều hành hoạt động xe buýt tăng thêm tính minh bạch cũng như chính xác, rõ ràng tới từng chi tiết nhỏ. Đó là điều mà cách xác nhận chuyến trước đây bằng thủ công, sức người không thể đáp ứng, bao quát được hết. Một lợi ích thiết thực khác là hệ thống RFID tự động ghi nhận xe buýt ra - vào bến cũng như thông tin được cập nhật nhanh chóng, chính xác nên cơ quan quản lý có thể tập trung dữ liệu gần như ngay lập tức và sử dụng các dữ liệu ấy để phục vụ công tác điều chỉnh biểu đồ giờ tuyến, điều chỉnh thời gian xe chạy cho phù hợp với diễn biến thực tế. Bên cạnh đó, do công nghệ RFID xác định chính xác giờ đi và giờ đến của từng chuyến xe, đồng nghĩa buộc các nhân viên lái xe buýt phải chấp hành nghiêm túc về thời gian vận hành theo quy đinh. Đây chính là cơ sở giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới xe buýt thành phố, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân chuyển sang sử dụng xe buýt.
Đối với hành khách, hệ thống công nghệ RFID giúp ngành chức năng cung cấp thông tin về xe buýt theo thời gian thực cho hành khách một cách chính xác nhờ chức năng kết nối và tích hợp vào hệ thống lõi quản lý, điều hành xe buýt, giúp người dân có thể tra cứu các thông tin về hoạt động xe buýt dễ dàng hơn.
Trong khi đó, hệ thống công nghệ RFID cũng giúp các doanh nghiệp vận tải xe buýt điều hành các phương tiện đảm bảo hoạt động đúng theo biểu đồ (giờ) quy định, cũng như được cung cấp công cụ truy vấn nhật ký ra - vào bến của xe buýt doanh nghiệp. Hệ thống RFID còn giúp doanh nghiệp vận tải giảm được số lượng nhân viên điều hành tại các đầu bến, cuối bến cũng như giảm được nhân viên đối soát lệnh vận chuyển để xác nhận chuyến như cách làm thủ công trước đây.
Áp dụng thanh toán điện tửThực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM và Sở Giao thông Vận tải TPHCM, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thí điểm hệ thống thanh toán thẻ xe buýt với mục tiêu đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và giải pháp vé điện tử thông minh, nhằm tạo kênh thanh toán thuận tiện cho người dân khi đi xe buýt. Hệ thống sử dụng công nghệ mới, có nhiều chức năng thanh toán và hoàn toàn có thể tích hợp, mở rộng trong tương lai. Theo lộ trình, trong tháng 12-2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM triển khai xây dựng hệ thống và lắp đặt thiết bị thanh toán thẻ thông minh cho tuyến xe buýt mã số 86 (lộ trình Bến Thành - Trường Đại học Tôn Đức Thắng). Công tác thí điểm triển khai các nội dung, hoạt động chính về đầu tư phát hành thẻ thanh toán điện tử, xây dựng hạ tầng, phần mềm; lắp đặt thiết bị có liên quan đến chương trình thí điểm cũng như các chương trình hỗ trợ hành khách tiếp cận hệ thống như tổ chức nhiều điểm làm thẻ thuận lợi ở các trường đại học, nạp tiền vào thẻ cho hành khách… Trong thời gian đầu vận hành thí điểm trên tuyến xe buýt mã số 86, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM sẽ theo dõi, đánh giá hiệu quả và kịp thời điều chỉnh chương trình thí điểm cho phù hợp với diễn biến thực tế. Sau đó, đề xuất triển khai thí điểm trên 8 tuyến xe buýt khác trong thời gian 5 tháng tiếp theo. Giám đốc Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM Trần Chí Trung cho biết, các tuyến xe buýt được lựa chọn thí điểm sẽ có lộ trình đi qua các trường đại học, số lượt hành khách đi lại thường xuyên và tỷ lệ học sinh, sinh viên đi lại cao. Sau nửa năm thí điểm ở 9 tuyến buýt nêu trên, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM sẽ đánh giá nghiệm thu, đo lường hiệu quả đạt được để từ đó cân nhắc xây dựng các phương án để có được nguồn thu, cũng như trình cấp thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng trên toàn hệ thống xe buýt thành phố. Thẻ thanh toán điện tử xe buýt hoàn toàn có khả năng tích hợp các dịch vụ thanh toán thông qua các tài khoản trên thiết bị di động, trên nền tảng công nghệ không tiếp xúc như công nghệ Near-Field Communications, thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành… Theo chiều hướng này, khi đó người dân có thể thuận tiện sử dụng thẻ giao thông công cộng cho nhiều loại hình. |