Trong những ngày qua đã xuất hiện chuỗi sự kiện vui liên quan đến hạt gạo Việt Nam. Cùng lúc, gạo Việt Nam xuất hiện trên hàng ngàn siêu thị tại Pháp và lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam đã trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Mới đây nhất, ngày 8-9, đã diễn ra lễ ký kết phân phối độc quyền gạo Ông Cua ST25 tại thị trường Anh (UK) giữa Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và EUTEK Group. Đây rõ ràng thêm một tin vui nữa cho gạo Việt trong tương lai.
Thay đổi để phát triển
“Gạo không chỉ là nguồn lương thực chính yếu của người Việt mà còn là một trong những cội nguồn của văn minh và văn hóa Việt Nam. Không đâu trên dải đất hình chữ S của Việt Nam không có dấu ấn của gạo trong nếp sống, thói quen, phong tục, tín ngưỡng. Gạo là hình bóng quê nhà, là tình yêu đất nước, là nguồn cội”, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, đã chia sẻ tại lễ khai mạc đêm “Tinh hoa gạo Việt” vào tối 7-9, tại TPHCM.
Theo Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời), gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” của công ty đã chính thức lên kệ của 2 hệ thống siêu thị tại Pháp. Đây là 2 hệ thống có hàng ngàn siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích tại Pháp. Để có mặt tại đây, sản phẩm của Lộc Trời đã đáp ứng yêu cầu cao nhất của thị trường châu Âu về quy trình canh tác, sử dụng sản phẩm bảo vệ cây trồng đạt chuẩn, đáp ứng các yêu cầu về tính bền vững, ưu tiên bảo vệ con người và môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Trước đó, Tập đoàn Tân Long cũng đã xuất khẩu lô hàng gạo ST25 mang thương hiệu A An vào Nhật Bản, sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm đối với hơn 450 chỉ tiêu. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu gạo nội địa được xuất khẩu thành công vào thị trường cực kỳ khó tính như Nhật Bản.
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 cường quốc xuất khẩu gạo (xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo/năm), nhưng các lô hàng gạo Việt Nam có thời điểm chỉ ở các phân khúc gạo 5%, gạo 25% tấm… Đó cũng là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam “bấu” vào các hạn ngạch xuất khẩu gạo do Chính phủ ký. Số lượng gạo xuất khẩu Việt Nam tập trung vào phân khúc gạo cấp thấp, có khi chiếm tới 60%. Đến năm 2009, tại Festival lúa gạo đầu tiên được tổ chức tại Hậu Giang, các nhà khoa học mới đưa ra khuyến nghị: không nên trộn hàng loạt loại gạo để xuất khẩu như thế.
Chiến lược của ngành lúa gạo Việt Nam phải bắt đầu từ giống lúa. Theo đó, phải thay đổi cơ cấu giống lúa, hạn chế trồng giống lúa phẩm cấp thấp, thay bằng giống chất lượng cao và giống lúa thơm nhắm đến phân khúc gạo cao cấp theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu. Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng với các địa phương ở ĐBSCL đã quyết liệt làm thay đổi ngành lúa gạo ĐBSCL theo hướng này. Qua từng năm, nông dân quen dần việc sử dụng giống chất lượng cao, giống xác nhận.
Theo Bộ NN-PTNT, đến nay tỷ lệ sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên ở phía Nam đạt khoảng 60%, cao hơn năm 2020 khoảng 5%. Tại ĐBSCL, các giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 80% diện tích. Một số giống chất lượng phổ biển tại ĐBSCL là OM5451, OM4900, OM6976, Đài Thơm 8; nhóm giống lúa thơm đặc sản Jasmine 85, VĐ20, ST 24, ST25, Tài Nguyên, Nàng Hoa 9…
Kết nối hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản
Gần đây, khi làm việc với lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, hay sốt ruột hỏi các địa phương: “Sản phẩm gạo đã xuất khẩu, lên kệ ở siêu thị Mỹ chưa?”. Sự sốt ruột của người đứng đầu ngành nông nghiệp xem ra cũng có cái lý của nó. Bởi, khi nông sản mang thương hiệu Việt xuất hiện trên quầy, kệ siêu thị nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã tạo được chuỗi giá trị nông sản, lợi nhuận của nông dân sản xuất sẽ gia tăng.
Vùng ĐBSCL từ lâu được xem là vựa lúa, thủy sản, trái cây của cả nước. Thế mạnh này của châu thổ được cả thế giới biết đến với việc nông sản xuất đi khắp thế giới, với kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD/năm. Xuất khẩu thủy sản chủ yếu là ở 2 ngành hàng tôm và cá da trơn đã từng bước hoàn thiện quy trình để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất ở nhiều thị trường khó tính. Chỉ riêng ngành hàng trái cây còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu là rất cấp bách. Ngay thị trường Trung Quốc cũng bắt đầu có những kiểm định khắt khe trên trái cây.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường đang xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, trong đó có ngành hàng trái cây mà các doanh nghiệp phải hết sức lưu tâm, thay đổi cho phù hợp như: thực phẩm dựa trên nguồn gốc thực vật; xu hướng trở về với cội nguồn; đề cao trách nhiệm chung của ngành hàng trái cây. Việc hoàn thiện các quy trình canh tác, sản xuất gắn với trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là rất cần thiết. Các địa phương phải tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra loại bỏ tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” như pha tạp chất vào mặt hàng tôm hay đưa trái cây chưa đạt tiêu chuẩn vào các lô hàng xuất khẩu.
Nói như Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “ĐBSCL phải tổ chức lại sản xuất, xem đây là khởi đầu cho chặng đường tiếp theo. Tư duy và hành động của các địa phương cũng phải thay đổi, nắm vai trò dẫn dắt để kích hoạt, tạo nên chuỗi giá trị cho nông sản Việt Nam”.
Nông sản Việt cần được nâng tầm và rất cần nhiều doanh nghiệp tâm huyết, đầu tư bài bản như Lộc Trời, Tân Long… Việc định danh thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” hay gạo thương hiệu A An là rất quan trọng. Đó là bước kết nối hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, thể hiện sự gắn kết giữa nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu gắn với các quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Thông tin về "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản có đoạn: Gạo thơm ST 25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu đầy đủ từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản, các quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc, hạt cơm có vị ngọt tự nhiên. Cách giới thiệu này thật thú vị nhưng cũng là một thông điệp quan trọng gửi đến những người sản xuất - xuất khẩu trong chuỗi nông sản Việt.