Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn có những di tích lịch sử, văn hóa và ẩm thực nổi tiếng… được du khách trong nước và quốc tế biết đến…
Nhộn nhịp mùa lễ hội
Những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, nhiều điểm du lịch trên địa bàn Sóc Trăng nhộn nhịp hẳn lên, đây là thời điểm diễn ra Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo (định kỳ 2 năm/lần), lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer và cũng là sự kiện văn hóa - du lịch nổi bật tại Sóc Trăng. Tại các phum, sóc của đồng bào dân tộc Khmer, không khí lễ hội lan tỏa khắp nơi, các đội đua ghe ngo cũng tập luyện khẩn trương.
Tại Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo Sóc Trăng năm nay, đội đua chùa Rạch Giồng (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) được xem là một ẩn số của mùa giải. Ông Hữu Thành Dự, Chủ nhiệm Đội đua ghe ngo chùa Rạch Giồng, cho biết: “Năm nay đội tập luyện sớm. Nếu như mọi năm anh em chỉ tập luyện chừng 15 ngày vì còn bận công việc đồng ruộng thì năm nay chùa mới hạ thủy chiếc ghe mới, nên tập hợp anh em sớm hơn và tập lâu hơn. Các vận động viên đội đua năm nay tham gia khá quy mô với số lượng trên 80 người. Ai cũng mong muốn có thành tích cao ở cuộc đua”.
Ngoài đua nghe ngo, lễ hội còn nhiều hoạt động khác như lễ cúng trăng, hội thi thả đèn nước và phục dựng ghe Cà Hâu, lễ hội đường phố… Vì vậy, dịp diễn ra lễ hội không chỉ thu hút đông đảo cộng đồng các dân tộc tại ĐBSCL, mà còn có nhiều du khách thập phương đến vui chơi. Anh Nguyễn Thành Vinh (quê Bình Dương) chia sẻ: “Trước đây thường nghe bạn bè nói đến Sóc Trăng vào dịp lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo vui lắm, nhưng gia đình chưa có dịp đi. Các hoạt động lễ hội này tôi chỉ đọc qua sách báo, xem truyền hình chứ chưa một lần chứng kiến. Lần này tranh thủ đưa gia đình đi tham quan các chùa ở Sóc Trăng và thưởng thức các món ẩm thực nổi tiếng tại đây, đồng thời đợi xem đua ghe ngo xong mới về…”.
Sóc Trăng không chỉ có các lễ hội, mà còn có nhiều ngôi chùa cổ kính với kiến trúc nghệ thuật Khmer đặc sắc. Đây là những điểm đến nổi tiếng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét... Đặc biệt, gần đây ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đưa tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo vào hoạt động (tháng 7), tạo điểm nhấn mới. Tuyến du lịch này tạo cú hích quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch Sóc Trăng thêm khởi sắc.
Sở VH-TT-DL tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh nhà có những bước phát triển đáng khích lệ, khách đến Sóc Trăng tăng đều qua các năm. Cụ thể, trong năm 2016, tổng lượt khách đến Sóc Trăng hơn 1,4 triệu, trong đó khách lưu trú hơn 280.000 lượt, tổng doanh thu đạt hơn 460 tỷ đồng. Còn quý 3-2017, tổng lượt khách du lịch đến Sóc Trăng hơn 1,27 triệu, tăng 19% so với 9 tháng đầu năm 2016. Tổng doanh thu du lịch trên 440 tỷ đồng, tăng 30% so với 9 tháng đầu năm 2016.
Nỗ lực phát huy lợi thế
Để thực hiện việc nâng tầm du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 05 (về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025). Theo đó, phát triển du lịch theo hướng du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, lịch sử tại các điểm chùa, các điểm di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Bên cạnh đó, phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu (cồn Mỹ Phước, cồn Sông Phụng...) và huyện Cù Lao Dung; chú trọng phát triển sinh thái rừng ngập mặn khu vực huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, kết hợp phát triển điện gió, du lịch biển.
Theo ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sóc Trăng, ngành du lịch của tỉnh dù thời gian qua đạt được những bước phát triển đáng kể nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế, kết cấu hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù nói riêng. “Dù lượng khách tăng cao hàng năm, nhưng thực tế là lượng khách lưu trú ở Sóc Trăng không nhiều, thời gian lưu trú không lâu… đây là những vấn đề trăn trở”, ông Phạm Văn Đâu nhận định và cho biết, ngành du lịch đang nỗ lực tập trung phát huy các lợi thế, khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch, tạo sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh; giữa Sóc Trăng với các tỉnh trong khu vực và cả nước, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới; tăng cường quản lý các di tích, gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch…
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ 3, khu vực ĐBSCL diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 28-10 đến 3-11). Lễ hội diễn ra các địa điểm chính tại TP Sóc Trăng: Khán đài đua ghe Ngo, Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, Quảng trường Bạch Đằng, Công viên 30-4, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, Nhà trưng bày văn hóa Khmer, Chùa Khleang, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng...