Nâng tầm đối ngoại đa phương

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (8-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước. Với phương châm chủ động, sáng tạo trong cách làm và hiệu quả trong hành động, công tác đối ngoại đã vươn mình khẳng định thêm nhiều dấu ấn mới, góp phần nâng cao thế và lực của đất nước.

Thứ nhất, đối ngoại đa phương đã có bước phát triển mới về chất với việc ngày 8-8-2018 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một văn kiện chỉ đạo riêng về đối ngoại đa phương.

Đó là một cột mốc quan trọng về tư duy đối ngoại và thể chế hóa chủ trương của Đại hội Đảng XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, theo đó chúng ta phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” trong các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.

Nối đà thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, năm 2018 đối ngoại đa phương tiếp tục gặt hái nhiều thành công rực rỡ. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10... 

Đặc biệt, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) do Việt Nam tổ chức tháng 9-2018 tại Hà Nội được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của diễn đàn này. 

Bên cạnh các đề xuất và đóng góp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế từ ASEAN đến ASEM, APEC, Liên hợp quốc... luôn được ủng hộ và đánh giá cao, Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế tín nhiệm trao thêm nhiều trọng trách đa phương quan trọng.

Nâng tầm đối ngoại đa phương ảnh 1 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab và các trưởng đoàn tham dự Phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 
Tháng 5-2018, Nhóm nước châu Á-Thái Bình Dương đã chính thức thông qua đề cử Việt Nam là đại diện duy nhất của Nhóm ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Tháng 12-2018, Việt Nam cũng đã lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL).

Thứ hai, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những diễn biễn phức tạp, bất ngờ, với tinh thần chủ động, sáng tạo, chúng ta không những củng cố mà còn mở rộng thêm được khuôn khổ quan hệ với các đối tác chủ chốt. Quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác, nhất là các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước lớn như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp… tiếp tục đi vào chiều sâu; tin cậy chính trị và hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được tăng cường. 

Thứ ba, hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo. Cùng 10 quốc gia thành viên khác, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới, qua đó khẳng định vai trò là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực. Chúng ta và Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta đạt con số kỷ lục 475 tỷ USD trong đó xuất siêu đạt 7,7 tỷ USD, góp phần đưa tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua.

Với những thành tựu quan trọng đạt được trong năm 2018 và quyết tâm lớn, toàn ngành đối ngoại đang bước vào năm 2019 với tinh thần sáng tạo, đột phá và vượt lên chính mình

Đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế có sự phát triển về chất với việc lần đầu tiên chúng ta chuyển từ cử một số cán bộ, chiến sĩ sang cử một đơn vị (một bệnh viện dã chiến cấp II) tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Các cuộc diễn tập chung, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… cả ở kênh song phương và trong khuôn khổ ASEAN đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị.

Thứ tư, đối ngoại đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng quốc phòng-an ninh hình thành thế chân kiềng vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia tiếp tục được quản lý tốt, thực sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. 

Trên Biển Đông, chúng ta cũng tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và các quyền, lợi ích hợp pháp phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vòng đàm phán thực chất chính thức đầu tiên về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được tổ chức tại Nha Trang (3-2018) tạo cơ sở ban đầu để hướng tới xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc. 

Bên cạnh những điểm sáng nói trên, một thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại là đã triển khai rất kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa được tổ chức cho kiều bào, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về quê hương đất nước, đóng góp cả trí và lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, hội nhập, ổn định, hiếu khách và giàu bản sắc. 

Những nhiệm vụ quan trọng của đối ngoại Việt Nam năm 2019 là: tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn; triển khai tốt Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là hoàn tất công tác chuẩn bị mọi mặt để hướng tới đảm nhận các trọng trách tại các diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN và Liên hợp quốc; giữ cho được đà hội nhập quốc tế, nhất là việc triển khai hiệu quả CPTPP và các hiệp định thương mại thế hệ mới khác; bước vào giai đoạn liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng hơn…

(Nguồn: Theo bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH, nhân dịp năm mới 2019)

----------------------
* Đầu đề do Báo SGGP đặt.

Tin cùng chuyên mục