Công trình Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa vừa được đưa vào danh sách hồ thủy lợi cấp quốc gia cần được bảo vệ sau 32 năm sử dụng, đã minh chứng cho vai trò rất quan trọng của công trình đối với công cuộc phát triển bền vững của cả vùng Đông Nam bộ.
Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước là 270km2, cấp nước tưới trực tiếp cho 100.000ha đất nông nghiệp của các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TPHCM; tạo nguồn nước cho vùng hạ du sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông với diện tích hơn 40.000ha; cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, tương ứng 3,7 triệu m3/ngày. Hồ Dầu Tiếng còn là cứu cánh cho hàng ngàn người dân nghèo sinh sống ven hồ bằng việc đánh bắt cá. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tây Ninh đều thả gần 10 tấn cá giống với nhiều chủng loại (tương đương khoảng 1 triệu con) vào hồ, nhằm cân bằng sinh thái, cải tạo nguồn lợi thủy sản.
Những năm qua, hồ Dầu Tiếng còn là mỏ cát vàng của nhiều công ty khai thác cát. Qua thống kê mới nhất, có tới 11 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động khai thác cát (nhưng hiện nay, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định tạm thời ngưng hoạt động để kiểm tra). Nhưng trên hết, hồ Dầu Tiếng là máy làm mát thiên nhiên khổng lồ, giúp điều hòa khí hậu cho Tây Ninh, Bình Dương và những tỉnh, thành lân cận.
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Sông Cầu đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp với du lịch sinh thái tại đảo Nhím trong hồ Dầu Tiếng. Dự án được thực hiện trên diện tích trên 285ha, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 290 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục cải tạo, phục hồi toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, phục hồi cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng - kết nối hồ Dầu Tiếng với Khu du lịch núi Bà Đen bằng hệ thống cáp treo.
Trước đó ngày 12-2, đoàn công tác của Thành ủy, UBND TPHCM do đồng chí Đinh La Thăng dẫn đầu đã khảo sát công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng. Nguyên Bí thư Thành ủy đề nghị lập ngay dự án lắp đặt đường ống dẫn nước từ hồ về nhà máy nước ở TPHCM để giúp TP có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô.
Về phía UBND tỉnh Tây Ninh đang triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông để về phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các cánh đồng ở bờ phía Tây sông Vàm Cỏ Đông nhằm phát huy lợi thế đa mục tiêu của công trình thủy nông quan trọng này. Việc nâng tầm hồ Dầu Tiếng trước mắt cần có cơ chế phối hợp giữa các địa phương, các bộ ngành liên quan. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, do công trình hồ Dầu Tiếng đã trải qua 32 năm hoạt động nên cần đánh giá tổng quát về hiện trạng công trình đập và tất cả các công trình phụ trợ; bổ sung các quy chế khai thác, phối hợp vận hành liên hồ chứa, làm cơ sở pháp lý để áp dụng. Trong đó cần có quy định đến các nghĩa vụ về tài chính của đơn vị sử dụng để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Như vậy, ngoài những nhiệm vụ như kể trên, công trình Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa sẽ được bổ sung thêm công năng phát triển du lịch, chống xâm nhập mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn, góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các tỉnh, thành trong khu vực.