Tại hội nghị, kiều bào đã chia sẻ ý kiến về thủ tục xin đăng ký thường trú (xin được hồi hương) đối với những trường hợp không còn quốc tịch Việt Nam; thủ tục xin cấp giấy xác nhận người gốc Việt; quyền sở hữu tài sản, bất động sản...
Bên cạnh đó, kiều bào cũng góp ý về chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương để phát triển kinh tế.
Ông Lê Ngọc Lâm, kiều bào tại Nhật Bản cho biết, hiện nay, số lượng kiều bào ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trở về quê hương sinh sống rất lớn. Đây là nguồn lực vô cùng hữu ích để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với thế giới.
Do đó, cơ quan chức năng nên tăng cường sự liên kết với những kiều bào này để tạo cầu nối đưa sản phẩm của Việt Nam đến với thế giới nhiều hơn.
“Kiều bào trở hồi hương có gia đình, con cháu, công ty ở các nước. Nếu kết nối được với họ thì sẽ là con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm trong nước đến với thế giới”, ông Lâm nói.
Theo ông Võ Thành Chất, hiện nay, có hơn 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có xuất thân hoặc có liên hệ với TPHCM. Thời gian qua, TPHCM đã thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài nhiều quốc gia trên thế về đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn tại thành phố.
Trong đó, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng; hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào trong việc tham gia phát triển kinh tế, đầu tư các dự án tại TPHCM, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ. Đồng thời, có chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng, tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc.
Dịp này, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cũng đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn TPHCM nhiều năm liên tục.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến hết tháng 8-2022, có hơn 400 trường hợp đồng bào ta ở nước ngoài xin đăng ký thường trú (xin được hồi hương), trong đó cơ quan chức năng đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho hơn 350 trường hợp. |