"Trước chúng ta so sánh với Singapore, Thái Lan, Malaysia và thấy rõ sự tụt hậu của Việt Nam, nhưng bây giờ, so bên cạnh là Lào (đạt 7.023 USD/người/năm), chúng ta cũng thua...”, TS. Vũ Xuân Hùng cảnh báo.
Ngày 19-4, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI – HCM) phối hợi với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) và Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tọa đàm về quy định của pháp luật lao động và sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TPHCM cho biết, Bộ Luật Lao động áp dụng thực tế từ năm 2013 đã nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp với công tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 6 năm bộ Luật Lao động được triển khai thực tế, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng, cụ thể là các doanh nghiệp vẫn gặp tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao.
Việc gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp là trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Võ Tân Thành, trên thực tế, các doanh nghiệp lẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng và thực tế hóa các quy định. Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ hợp tác trên tinh thần thiện nguyện chứ chưa thấy được sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm tương xứng.
Trao đổi về các thách thức trong giáo dục nghề nghiệp, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB-XH chỉ rõ, năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2018 chỉ xếp thứ 77/140 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang rất yếu kém về kỹ năng nghề nghiệp.
Về năng suất lao động, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng thông tin, theo Ngân hàng thế giới (WB), năng suất lao động ở Việt Nam đang rất thấp, chỉ đạt 6.776 USD/người/năm.
“Các nước khác đều cao hơn chúng ta. Trước chúng ta so sánh với Singapore, Thái Lan, Malaysia và thấy rõ sự tụt hậu của Việt Nam, nhưng bây giờ, so bên cạnh là Lào (đạt 7.023 USD/người/năm), chúng ta cũng thua. Năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp. Chúng ta đang tụt hậu chứ không phải đang phát triển. Các nước đã phát triển, chạy xa, chạy nhanh rồi”, TS. Vũ Xuân Hùng cảnh báo.
TS. Vũ Xuân Hùng cũng lưu ý, trong 55 triệu lao động, số lao động qua đào tạo cũng đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ có 22%. Đặc biệt, cơ cấu trình độ lao động rất bất cập. TS. Vũ Xuân Hùng phân tích, năm 1979, cứ 1 lao động có trình độ từ đại học trở lên thì có 2 lao động cao đẳng, 7 lao động trung cấp, kỹ thuật. Đến năm 2012, tỷ lệ này là 1: 0,46: 0,58. Tới năm 2018, tỷ lệ tương ứng là 1: 0,35: 0,65. Điều đó có nghĩa, cứ 1 lao động trình độ đại học thì chưa có đến 1 nửa người là người lao động trực tiếp, lao động kỹ thuật. Trong khi đó, nguyên lý khách quan thị trường lao động luôn cần cơ cấu lao động kỹ thuật, lao động trực tiếp nhiều hơn lao động gián tiếp.
TS. Vũ Xuân Hùng: “Đúng ra cơ cấu trình độ lao động phải là hình kim tự tháp, thì ở Việt Nam lại ngược lại, là kim tự tháp lộn ngược – bên trên hình kim tự tháp rất đông lao động gián tiếp và bên dưới rất ít lao động trực tiếp. Nghịch lý này dẫn tới tình trạng người có trình độ cao lại thất nghiệp nhiều, vì thị trường lao động không cần. Thực tế, mỗi năm, có hơn 300.000 sinh viên tốt nghiệp và luôn có trên 1 nửa số đó thất nghiệp”.
Để sự tham gia của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện một cách hiệu quả, TS. Vũ Xuân Hùng đề nghị, cần xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp 3 bên giữa nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp. Trong đó, phân định rõ nội dung thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, cụ thể về liên kết đào tạo, đặt hàng đào tạo, tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.