Tại các tỉnh vùng núi như Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng… sáng sớm xuất hiện sương mù đậm đặc. Trong khi tại Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ ngày 3-3 đã bắt đầu có ánh nắng sau gần 10 ngày không thấy mặt trời.

Nhiệt độ tại Hà Nội chiều 3-3 là 23 độ C (trời vẫn lạnh nhưng không còn rét đậm). Cơ quan khí tượng dự báo, ngày 4 đến 5-3, nền nhiệt Hà Nội vẫn tiếp tục tăng.

Đến ngày 5-3, nhiệt độ Hà Nội có thể đạt tới 30 độ C, khu vực Tây Bắc và miền Tây của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… có thể xuất hiện nắng nóng. Dự báo, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm ở tỉnh Nghệ An có thể đạt 15-18 độ C.

Nguyên nhân nắng nóng trở lại một số nơi ở phía Bắc vì không khí lạnh đang suy yếu dần, nhường chỗ cho một vùng áp thấp nóng ở khu vực Vân Nam (Trung Quốc) phát triển về phía Đông Nam lục địa và khuếch tán xuống miền Bắc nước ta.
Một số chuyên gia khí tượng cho biết, ngày 3-3, nhiệt độ tại Bắc Lào đã tăng đáng kể do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng này.