Nắng nóng “thiêu đốt” châu Á

Do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh và một đợt nắng nóng “đổ lửa” đã càn quét nhiều khu vực ở Đông Nam Á và Nam Á trong tuần này.

Dự báo có nơi nhiệt độ lên 52°C

Ngày 27-4, Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia cho biết trong ngày 26 và 27-4, nhiệt độ cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này có thời điểm lên tới 40-42°C, đặc biệt là ở vùng cao nguyên phía Bắc và vùng trung du Tây Bắc. Trong số này, nhiệt độ ở tỉnh Tây Bắc Oddar Meanchey có thể lên đến 42°C, trong khi nhiệt độ ở thủ đô Phnom Penh lên tới 40°C.

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp tục hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng hỏa hoạn trong mùa khô; đồng thời yêu cầu các cơ quan bộ, ngành liên quan kiểm tra năng lực cung cấp điện, chuẩn bị cho tình huống thiếu nguồn nước cung cấp cho thủy điện, cũng như hoạt động cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt...

Theo tờ Khmer Times, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra cảnh báo nắng nóng cực độ dự kiến sẽ vượt ngưỡng 52°C. Nước này chứng kiến ​​ít nhất 30 trường hợp tử vong trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến ngày 17-4-2024.

Tại Philippines, cảnh báo chỉ số nắng nóng đạt mức “nguy hiểm” trên 42°C được đưa ra đối với nhiều khu vực bao gồm vùng thủ đô Manila. Hàng ngàn trường học trên khắp Philippines cho học sinh tạm nghỉ. Theo Liên hợp quốc, một nửa trong số 82 tỉnh của Philippines đang bị hạn hán và vụ thu hoạch sắp tới của nước này có thể sẽ dưới mức trung bình.

Malaysia lần đầu tiên nâng cảnh báo nắng nóng lên mức 1 tại 10 khu vực. Bộ Giáo dục nước này khuyến cáo những biện pháp bảo vệ sức khỏe đối với học sinh, sinh viên.

Nguy cơ cho sức khỏe trẻ em

Ở khu vực Nam Á, hàng triệu học sinh ở Bangladesh đã phải nghỉ học khi các trường học đóng cửa do nắng nóng quá mức, lên hơn 42°C. Chính quyền Bangladesh dự kiến sẽ mở cửa trở lại trường học từ ngày 28-4, trước khi nhiệt độ dự kiến sẽ giảm. Dự kiến nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối tuần.

CN8d.jpg
Nhiều học sinh Bangladesh nghỉ học, nhưng cũng không chịu nổi nhiệt độ nóng ở ngôi nhà chật chội. Ảnh: MANILA TIMES

Với đợt nắng nóng ngột ngạt kéo dài và khốc liệt, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) quan ngại về sức khỏe và sự an toàn của trẻ em trên khắp Nam Á do nhiệt độ quá nóng, quan ngại nhất là Bangladesh. Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu dành cho Trẻ em (CCRI) năm 2021 của UNICEF, trẻ em ở Bangladesh, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có “nguy cơ cực kỳ cao” trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, theo Cục Khí tượng thủy văn Myanmar, nhiệt độ ở miền Trung và vùng đồng bằng nước này có thể sẽ tiếp tục tăng cao, trên 40°C, trong hai ngày 28 và 29-4. Trong khuyến cáo của mình, Bộ Y tế Myanmar đã đưa ra những chỉ dẫn để người dân đảm bảo an toàn sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài và những biện pháp tránh tia cực tím gây hại.

Tờ The Business Standard đưa tin, Ấn Độ cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất ở Odisha và Tây Bengal, trong đó Odisha ghi nhận nhiệt độ tối đa là 45,2°C và Tây Bengal chỉ thấp hơn một chút, là 44,6°C.

Liên hợp quốc cho biết, trong tuần này châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các mối nguy hiểm về khí hậu. Hàng triệu người trên khắp Nam và Đông Nam Á đang phải đối mặt với nhiệt độ ngột ngạt, thời tiết nắng nóng bất thường buộc các trường học phải đóng cửa và đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục