Ở phía Bắc, trong ngày 19-2, hàng loạt nơi thuộc khu vực Tây Bắc bộ như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình… đã hửng nắng, nhiệt độ tăng và tại Bắc Trung bộ đã có nắng nóng cục bộ (nhất là phía Tây của tỉnh Nghệ An).
Tuy nhiên, tại Hà Nội, đồng bằng Bắc bộ và khu vực Đông Bắc bộ chỉ hửng nắng nhẹ một chút, nhiều nơi vẫn âm u, mưa phùn, xuất hiện tình trạng nồm ẩm - nhất là tại Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh... Nhiều người dân ở Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng cho biết, trong nhà bắt đầu xuất hiện tình trạng sàn nhà, tường nhà, đồ đạc "đổ mồ hôi" nhẹ.
Tuy nhiên, cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 20-2, nền nhiệt ở các khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ tăng thêm, nắng nóng có thể mở rộng phạm vi, nhiều nơi có nắng nóng.
Nhiệt độ tại Hà Nội có thể lên tới 34-35 độ C. Đợt nắng nóng này kéo dài đến khoảng ngày 25 hoặc 26-2 thì sẽ kết thúc do có một đợt không khí lạnh tràn về khiến thời tiết miền Bắc giảm nhiệt đột ngột.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và các chuyên gia khí tượng, tình trạng nắng nóng ở TPHCM và Nam bộ sẽ còn kéo dài ít nhất hơn 10 ngày nữa. Trong đó, nhiều ngày, nền nhiệt tại TPHCM sẽ lên tới 36-37 độ C vào buổi trưa và chiều.
Do trời ít mưa, tổng thời gian nắng kéo dài trong ngày nên nóng, hanh khô dễ gây nguy cơ cháy, người dân cần phải đề phòng, giám sát các thiết bị điện và nguồn lửa.