Nắng nóng ở miền Đông sắp lan rộng sang miền Tây

Theo nhận định của cơ quan khí tượng, nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở miền Đông Nam bộ từ nửa cuối tháng 2 và sẽ mở rộng dần sang miền Tây trong tháng 3, tháng 4 đến nửa đầu tháng 5.

img-6175-1363.jpeg
Nhiệt độ đo chiều 13-2 tại quận 2 TPHCM. Ảnh: NGUYỄN QUỐC ANH

Chiều 15-2, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã công bố báo cáo nhận định xu thế thiên tai và khí hậu thời hạn mùa từ tháng 3 đến 8-2024.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 5, trạng thái El Nino tiếp tục duy trì và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính từ tháng 6 đến tháng 8.

Từ tháng 3 đến tháng 5, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới, cơ quan khí tượng dự báo. Đồng thời trong 3 tháng tới, không khí lạnh có thể hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. “Trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3, hiện tượng rét đậm, rét hại chỉ xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía Bắc”, các chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở Bắc bộ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm trong khoảng nửa cuối tháng 2 và tháng 3.

Trên phạm vi cả nước vẫn có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt khi có các đợt không khí lạnh tràn về nước ta trong thời điểm chuyển mùa (nhất là tháng 4 và tháng 5).

Ông Hoàng Phúc Lâm cũng cho biết, hiện tượng nắng nóng ở Nam bộ sẽ xuất hiện ở miền Đông từ nửa cuối tháng 2 và sẽ mở rộng dần sang miền Tây trong tháng 3, tháng 4 đến nửa đầu tháng 5. Tại khu vực Tây Bắc của Bắc bộ và toàn Trung bộ, nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

“Tình trạng khô hạn ở Nam bộ và Tây Nguyên còn tiếp diễn trong các tháng 3 và tháng 4”, báo cáo nêu. Trên phạm vi cả nước, từ tháng 3 đến tháng 5, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1,5 độ C (phổ biến).

Tin cùng chuyên mục