Không có nước, bà Nga đi xin nước uống từ giếng một số gia đình còn nước, cất trữ và sử dụng tiết kiệm. Mảnh vườn đang trồng 2 sào bắp cũng không có nước tưới, bà Nga nói: “Vườn nhà rộng nên trồng bắp, giờ không có nước, chắc bỏ luôn”.
Ông Đoàn Văn Trung (thôn Hương Nhượng Bắc, xã Tịnh Đông) có 1 cái giếng đào khoảng 17m đã khô cạn nước. Ông đi xin nhờ nước của các hộ khoan giếng gặp mạch nước ngầm. Ông Trung nói: “Khoan giếng rất tốn kém, nếu gặp mạch nước ngầm thì đỡ vất vả, nếu không gặp được nước thì cũng mất chi phí, nên tôi đi xin nước ở các hộ may mắn có nguồn nước trong thôn”.
Theo người dân, mỗi giếng khoan nếu có nước chi phí từ 18-20 triệu đồng, nếu khoan không có nước cũng trả công dầu cho thợ từ 4-5 triệu đồng, có nhà dân trong thôn Hương Nhượng Bắc đã khoan đến 3 cái giếng nhưng đều không có mạch nước.
Nhiều nhà đã quen dùng nước giếng đào lại chọn cách đào sâu thêm. Bà Nguyễn Thị Khánh (thôn Đồng Nhơn Bắc, xã Tịnh Đông) có 2 giếng đào, cứ mỗi lần khô hạn, bà Khánh lại nhờ người đào sâu thêm từ 1-2m để vét chút nước uống gia đình.
Thống kê UBND xã Tịnh Đông, toàn xã có 7 thôn, tổng 1.794 hộ dân/6.709 người, kết quả rà soát tình hình thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn xã có khoảng 680 hộ. Trước tình trạng thiếu nước mùa nắng nóng, nhiều hộ dân đã tự khoan giếng để lấy nước, địa phương rất khó khăn trong quản lý bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
Ông Lê Quốc Nhã, Chủ tịch UBND xã Tịnh Đông cho biết: “Hiện nay mùa nắng nóng, biện pháp chủ yếu vẫn là sử dụng nước tiết kiệm, hạn chế khoan giếng. Địa phương đã đề nghị huyện Sơn Tịnh hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân”.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi đang quản lý 20 công trình cấp nước phục vụ cho 12.500 hộ dân tại vùng đồng bằng. Tất cả đang vận hành liên tục, cung cấp nước cho người dân trong suốt mùa khô hạn”.
Theo ông Minh, so với số xã, huyện đang cần nước sinh hoạt thì con số 20 công trình cấp nước vẫn là rất nhỏ. Ông Minh cho biết: “Các địa phương chưa có hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt thì địa phương có thể chủ động khoan thêm giếng, sửa chữa máy bơm hư hỏng, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiện nay có một số công trình cấp nước đang triển khai để phục vụ nước sạch cho dân”.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025 đề nghị đầu tư xây dựng 20 dự án cấp nước sạch để cung cấp nước cho 161.496 người trên địa bàn nông thôn tỉnh Quảng Ngãi.
Không chỉ ở đồng bằng gặp khó khăn nguồn nước mà các vùng miền núi vào mùa hạn lại càng khó khăn hơn. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 490 công trình cấp nước đã đưa vào sử dụng thì có đến 454 công trình trên địa bàn các huyện miền núi, trong số đó hiện có 133 công trình không hoạt động. Hầu hết các công trình cấp nước các huyện miền núi có quy mô nhỏ, cấp nước cho vùng dân tộc thiểu số, không thu tiền sử dụng nước, công trình này do UBND xã quản lý, nên không có nguồn kinh phí chi trả lương quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình. Do đó, việc xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn đối với các khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Ông Minh nói thêm, trên các khu vực miền núi do địa phương quản lý, nguồn nước trên núi đa phần là hệ thống nước tự chảy, nhỏ lẻ. Vào mùa khô hạn thường thiếu nước sinh hoạt.
Liên quan đến khu vực khu dân cư số 11A, 11B thôn Phước Hòa (xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) có một số giếng nước bị ô nhiễm, nước có màu vàng nhạt, mùi, váng nổi lên,… sau khi kiểm tra xét nghiệm mẫu nước, các cơ quan chức năng cho rằng do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh, chủ yếu từ chất thải hoạt động chăn nuôi, hệ thống nhà vệ sinh… chưa được xử lý. Nơi đây có 8.000 người đang mong muốn có nguồn nước sạch để sử dụng. Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay khu vực này đang được ưu tiên đầu tư khẩn cấp và trung tâm sẽ tiến hành khảo sát vị trí xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn”. |