Tuy nhiên, tờ Inquirer dẫn nguồn tin từ Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI) cho biết, một trong những vấn đề khiến các việc làm tại sân bay thường không giữ chân người lao động được lâu là mức lương thấp và công việc vất vả, nhất là những công việc và dịch vụ ở mặt đất, làm việc 24/24. Theo Công ty tư vấn ZipRecruiter, trung bình thu nhập cho các nhân viên sân bay Mỹ chỉ khoảng dưới 18USD/giờ, thấp hơn đáng kể so với nhân viên các công ty thương mại điện tử như Amazon trả trung bình 33USD/giờ.
Để thu hút nhân lực cho các ca làm việc như ca đêm hoặc xuyên trưa cần có những biện pháp hỗ trợ cuộc sống gia đình của người lao động như dịch vụ trông trẻ. Nếu như trước đây chỉ có các sân bay tại California (Mỹ) sử dụng biện pháp này thì hiện nay đã có thêm hàng chục sân bay khác triển khai dự án tương tự. Ví dụ, sân bay Phoenix đã đầu tư 1 triệu USD xây cơ sở trông trẻ ngay gần sân bay nhằm tạo điều kiện để người lao động trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc vì đại dịch Covid-19 và giúp sân bay vận hành thông suốt.
Tương tự, gần sân bay quốc tế Kelowna ở British Columbia, Canada cũng có một cơ sở trông giữ trẻ đang được xây dựng phục vụ con em các nhân viên sân bay. Sân bay Kelowna cũng đang cân nhắc triển khai dịch vụ xe đưa đón người làm việc ca đêm hoặc rạng sáng khi không có dịch vụ xe công cộng. Dự kiến vào tháng 7 tới, các sân bay ở San Francisco sẽ tăng các khoản trợ cấp hàng tháng dành cho nhân viên sử dụng phương tiện công cộng hơn 50% lên 200USD, trong khi xe đưa đón miễn phí đang được thí điểm cho những nhân viên sống xa hơn.
Trong một số trường hợp, các hãng hàng không và công ty dịch vụ hàng không đưa công nhân vào làm việc tạm thời tại các khách sạn địa phương để tránh chi phí thuê thêm nhân viên trong thị trường lao động ngày càng chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, một số hãng hàng không còn tặng kèm các món quà hấp dẫn như ô tô, điện thoại, phiếu mua sắm và tiền thưởng thêm để thu hút người lao động hoặc giữ chân các nhân viên làm việc trong những lĩnh vực vất vả hơn, như nhân viên mặt đất.
Theo ông Ying McPherson, Giám đốc Chiến lược của Công ty Xử lý mặt đất Unifi, nơi cung cấp lao động và thiết bị cho Delta, United và Alaska Airlines, đã chứng kiến chi phí để tuyển dụng lao động mới trong thị trường lao động khan hiếm tăng tới 60% so với mức trước đại dịch. Năm ngoái, công ty này đã tặng ô tô cho nhân viên và điện thoại thông minh cho hơn 3.000 công nhân đạt được mục tiêu hiệu suất.
Hãng American Airlines báo cáo doanh thu quý 4-2022 kỷ lục vào tháng trước. Chuyên gia tư vấn cho các hãng hàng không Grupo Eulen nhận định, lương cho các nhân viên mặt đất tại Mỹ sẽ tăng từ 6%-8% trong năm nay. Mặc dù đã lên kế hoạch hoạt động và triển khai tuyển dụng quy mô lớn trong năm 2023, một số hãng hàng không và sân bay vẫn đang vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên, bao gồm cả nhân viên xử lý hành lý. So với Bắc Mỹ, một số nơi thậm chí vẫn phải giải quyết các vấn đề tranh chấp lao động, chẳng hạn như các cuộc đình công dự kiến trong những tuần tới ở Anh và trong vài tháng tới ở Pháp, Đức.