Nâng nhận thức, đổi thói quen về sản phẩm xanh

Sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường đang là đích đến sản xuất của các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam trong hành trình hướng tới nền kinh tế xanh bền vững. Tuy nhiên, để sản phẩm xanh có chỗ đứng trên thị trường cần sự chung tay của nhiều bên.

Thay đổi từ việc nhỏ

Ba năm trở lại đây, gia đình chị Nguyễn Thùy Trang (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đã thay đổi thói quen trong sinh hoạt theo hướng ưu tiên sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

XHH 8B.jpg
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm xanh

Theo chị Trang, bằng cảm nhận cá nhân, chị nhận thấy biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét khi TPHCM nắng nóng nhiều hơn trước đây, không khí cũng bị ô nhiễm bụi nhiều hơn. Vì vậy, để góp sức bảo vệ môi trường sống, chị quyết định chỉ sử dụng những sản phẩm dễ phân hủy và có ít tác động đến môi trường nhất.

Cũng như chị Trang, anh Hoàng Mạnh Hà (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ, tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn thực phẩm cũng như các sản phẩm hóa mỹ phẩm của gia đình anh là phải có nguồn gốc tự nhiên, xanh, sạch và an toàn sức khỏe.

“Cuối tháng 6 vừa qua, tôi may mắn được tham quan một DN có quy trình sản xuất xanh có lịch sử 45 năm là Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn. Cảm nhận chung của tôi là hài lòng sau khi trải nghiệm toàn bộ quy trình để có thể sản xuất ra sản phẩm của DN này, từ đó cảm thấy yên tâm hơn với những tiêu chí về sản phẩm xanh đang được trưng bày ở các hệ thống siêu thị như Co.opmart”, anh Hà nói.

Theo thống kê của Saigon Co.op, sức tiêu thụ sản phẩm của DN xanh, DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong tháng phát động Chiến dịch tiêu dùng xanh năm 2024 đã tăng 50-60% so với các tháng thông thường.

Tạo sức lan tỏa qua truyền thông

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo chia sẻ của nhiều DN, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu và biết được quy trình sản xuất ra sản phẩm xanh mà họ đang sử dụng. Thậm chí, nhiều người dù mua nhưng vẫn chưa biết rằng đó là sản phẩm xanh. Ngoài ra, một khó khăn hiện nay mà DN xanh gặp phải chính là chi phí để sản xuất ra sản phẩm xanh thường cao hơn so với sản phẩm thông thường.

Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam:

Chiến dịch Tiêu dùng xanh qua 15 năm tổ chức đã góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm xanh. Để chương trình phát triển lên một tầm cao mới vẫn còn nhiều việc phải làm.

Cụ thể, chương trình phải có sự phù hợp với định hướng liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Theo đó, tiêu chuẩn về tiêu dùng xanh phải phù hợp với sản xuất và cần thực hiện quyết liệt hơn. Ngoài ra, nên xem xét kết hợp chương trình tiêu dùng xanh với những chiến dịch quy mô khác như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để kể những câu chuyện thương hiệu phát triển bền vững, tối ưu hóa lợi ích cho cả khách hàng và DN.

“Trong cộng đồng DN nói chung đã có khoảng 30% chuyển đổi sang sản xuất xanh. Điều này thể hiện rõ rệt qua việc DN cung ứng ra thị trường những sản phẩm giảm đi bao bì, chất liệu không phù hợp với môi trường, thay bằng bao bì giấy, ống hút hữu cơ, bao bì tự hủy… Giá sản phẩm sẽ có chênh lệch so với trước đây và không phải tất cả người tiêu dùng đều có thể chấp nhận. Đơn cử với sản phẩm hữu cơ, hiện chỉ có khoảng 3% người tiêu dùng chấp nhận và mua sản phẩm này vì giá khá cao. Đây được cho là những rào cản lớn để sản phẩm xanh có sức lan tỏa hơn trong cộng đồng”, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông Đức, để giúp sản phẩm xanh tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng cần có những chính sách đồng bộ như cải thiện thu nhập của người tiêu dùng, có sự gắn kết nhiều hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm. Cụ thể là cần có những tiêu chuẩn rất rõ ràng, có logo, dấu hiệu nhận biết sản phẩm xanh và được truyền thông rộng rãi để tiêu dùng xanh có bước phát triển cao hơn.

Liên quan đến việc truyền thông cho sản phẩm xanh, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan báo chí cần có những bài viết về điển hình sản xuất xanh, về quy trình mà DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần giúp người dân hiểu rõ, DN xanh phải đáp ứng những tiêu chí vô cùng khắt khe. Đặc biệt hơn, phải truyền thông để mỗi người dân nâng cao ý thức, trở thành một đại sứ xanh, qua đó vận động người thân, gia đình thay đổi lối sống, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe và giảm phát thải ra môi trường.

Tin cùng chuyên mục