Năng lượng yêu đời từ bạn trẻ khiếm khuyết

Một số bạn trẻ khiếm khuyết đang nỗ lực truyền động lực vui sống trên TikTok qua việc làm những video clip chân thành, giản dị, ghi lại phong cách sống lạc quan, tự lập trong mọi việc… Nhiều người rất ủng hộ các nội dung này, vì qua đó, họ nhìn mọi thử thách của mình một cách bình tĩnh hơn.

Phải “tìm cách sống”

Bị ngã vào bếp lửa khi đang tập đi, trải qua nhiều năm trời trong bệnh viện, nhưng Ngô Quý Hải (30 tuổi, quê Kon Tum) vẫn phải mang mảng sẹo lớn chiếm gần 1/3 thân thể, khiến mặt và cổ như bị kéo sát nhau. Hải chỉ học nửa năm lớp 1 ở quê rồi nghỉ vì bị bạn bè chọc ghẹo.

Khoảng 10 tuổi đi thăm họ hàng, ngang qua 1 tiệm bánh có tủ kiếng trưng bày rất đẹp, Hải đứng nhìn, “nhắm” một miếng bánh kem nhỏ, về để dành tiền 1 tháng mới đủ hơn 30.000 đồng đến mua. Thế nhưng, dù giải thích thế nào, Hải vẫn bị bảo vệ đuổi vì nghĩ anh ăn xin. Hải nói: “Lúc đó quyết tâm khi lớn mình phải mở tiệm bánh, để bất cứ ai muốn, mình cũng sẽ có thể mời vào”.

R6a.jpg
Cô Khuyết “27 tuổi, nặng 27 ký” với món bánh mì khô nấm “không đụng hàng”

Năm 2016, Hải được tài trợ sang Đức phẫu thuật. Hải tâm sự: “Lúc đó mình cũng nản rồi, chẳng có nơi đâu để đi thì mình cứ sang đó thôi. Nhưng chuyến đó mình lại gặp những bệnh nhân khác, không có tay chân, phải sống phụ thuộc, mình càng quyết tâm về học cho có cái nghề”.

Cũng có ngoại hình và số phận đặc biệt, “27 tuổi, nặng 27 ký” là câu cửa miệng mà “cô Khuyết” (Trần Ngọc Anh Thư, quê Đồng Nai) vui vẻ giới thiệu về mình. “Khuyết” là biệt danh cô bạn tự đặt, muốn truyền sự tích cực vào đó để mọi người thấy đó là một điểm đặc biệt, chứ không phải điều gì xấu hổ, tự ti, hay đáng thương hại. Để có sự lạc quan này là một quá trình chiến đấu lâu dài.

Cô Khuyết kể: “Thường trẻ con không nhớ nhiều, nhưng ký ức mình khắc ghi rất rõ ngày bị mẹ để lại ở chùa lúc 5 tuổi. Mẹ nói, sẽ dẫn đến 1 nơi có rất nhiều bạn để chơi rồi mẹ bỏ đi”. Lớn lên, gặp lại mẹ mới biết, khi ấy cha thường xuyên đánh mẹ, mẹ phải trốn đây trốn kia ngày này qua ngày khác, hết cách, mẹ mới làm như vậy.

Khuyết trải qua gần 20 năm với những cảm xúc từ chờ mong, ghét, chấp nhận, thông cảm…, cùng ám ảnh thắc mắc có phải mình bị dị tật (di chứng teo cơ sau 1 cơn sốt) nên mẹ mới chỉ chọn nuôi em trai. Nhưng rồi cô quyết định nhìn cuộc đời nhẹ nhàng hơn. Bởi cô nghĩ, nếu tiếp tục day dứt thì cả mình và mẹ đều vướng mắc trong lòng. Năm 2022, sẵn việc khai trương xe bánh mì chay, cô Khuyết lập kênh TikTok để chia sẻ hành trình sống tích cực đến mọi người.

Đem đến niềm vui sống

Không biết chữ, để theo kịp các lớp học nghề bánh, Hải học xong về mượn vở bạn chép lại, tập dần từng nét khi ở tuổi… 22. Học 2 năm ở Hà Nội, Hải một mình cầm 2 triệu đồng đi TPHCM, ngủ công viên, quán net, ở nhờ…, xin việc gần 10 nơi trong nửa năm nhưng đều bị từ chối khéo. Chấp nhận nhận lương thấp hơn và làm nhiều nơi để đủ sống, cuối cùng Hải được nhận vào 2 tiệm bánh, rồi có tháng lương đầu tiên. Đó là kỷ niệm hạnh phúc nhất “vì mình đã sống tự lập như bạn bè cùng trang lứa”.

Tay nghề cứng hơn, Hải mở tiệm bánh, đặt tên là Hướng Dương và tự mò mẫm mở kênh TikTok. Ban đầu chỉ để bán được nhiều bánh hơn, nhưng chính người xem trên mạng cùng bình luận “cố lên”, “khéo quá đi”, có em học sinh kể về Hải trong lớp như 1 tấm gương mạnh mẽ truyền động lực..., làm Hải rất vui, vượt qua mặc cảm và từ đó muốn xây dựng nội dung có giá trị tích cực, hướng về ánh sáng phía trước.

Kênh của cô Khuyết chủ yếu chia sẻ năng lượng tự tin, như những bộ đồ mình thích, các hoạt động thường ngày như làm khô nấm, bán bánh mì... Bí quyết truyền cảm hứng của Khuyết đơn giản chỉ là mong muốn người khác tốt hơn. “Trong kênh của mình cũng có vài bình luận dùng từ kém duyên, có lẽ là do họ không quen việc một người khiếm khuyết có thể tự nuôi sống bản thân, nhưng mình tích cực truyền tải rồi họ cũng sẽ hiểu và tiếp nhận mình”, cô Khuyết lạc quan nói.

“Thật ra từ khi làm TikTok, đón nhận nhiều yêu thương quá lớn đã khiến cuộc sống mình tốt lên. Có các bạn nhiếp ảnh mời chụp vài bộ ảnh truyền tải năng lượng về vượt lên số phận, làm người mẫu giúp các bạn sinh viên làm đồ án, có thêm bạn mới, cơ hội mới, nhiều bạn xem rồi đến mua bánh mì, ở lại chơi, ủng hộ mình từ đó đến giờ…, tất cả giúp mình không còn thấy cô đơn trong cuộc sống”, cô Khuyết chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục