Tim Howard là thợ mỏ 33 tuổi, sống ở phía Nam TP Sydney (Australia). Khu vực này vốn nổi tiếng về ngành công nghiệp khai thác mỏ, mang lại cơ hội việc làm ổn định cho người dân nhiều thế hệ trong vùng, trong đó có cha con nhà Howard. Những năm gần đây, phong trào toàn cầu tránh xa carbon làm dấy lên những lo ngại về tương lai ngành khai khoáng ở đây.
Tuy nhiên, đài NHK cho hay, viễn cảnh một tương lai ít carbon vẫn không phải quá xa xôi đối với những người khai thác than ở Australia, nơi có trữ lượng lớn than non (than nâu) - vốn dễ cháy, không thích hợp cho xuất khẩu và chỉ được sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện trong nước. Các chuyên gia Nhật Bản đã tìm ra cách chiết xuất hydro từ than nâu và sản xuất thứ mà họ kỳ vọng có thể trở thành nhiên liệu giá rẻ trong tương lai. Một nhóm doanh nghiệp đã khởi động dự án ở bang Victoria của Australia với sự ủng hộ của chính phủ cả 2 nước. Quy trình sản xuất hydro bắt đầu bằng việc đốt nóng than nâu để kích hoạt giải phóng một số khí, bao gồm hydro, cacbonic và nitơ. Sau đó, hydro được chiết tách ra khỏi các khí khác và được tinh chế để sử dụng.
Tuy nhiên, sản xuất hydro chỉ là thử thách đầu tiên, khó khăn tiếp theo là vận chuyển. Để làm được điều này, hydro cần được hóa lỏng và giữ ở nhiệt độ âm 253OC. Do nhiệt độ hóa lỏng cực thấp, nên sản phẩm này chưa từng được vận chuyển ra nước ngoài. Giải pháp cũng đã đến từ người Nhật với tàu chở hydro hóa lỏng đầu tiên trên thế giới, do Công ty Kawasaki Heavy Industries của Nhật Bản chế tạo. Tàu được trang bị bồn chứa có cấu trúc 2 lớp vỏ cách nhiệt để ngăn nhiệt độ dao động trong quá trình vận chuyển. Dự kiến, tàu sẽ chở lô hàng hydro hóa lỏng đầu tiên đến Nhật Bản vào đầu năm sau.
Ông Kawazoe Hirofumi, Giám đốc điều hành Hydrogen Engineering Australia (công ty con của Kawasaki Heavy Industries), tin rằng có tiềm năng lớn về nguồn nhiêu liệu hydro ở Australia. “Chúng tôi sẽ làm hết khả năng để đảm bảo trong tương lai có thể sử dụng hydro làm nguồn nhiên liệu chính cho sản xuất điện và cả ô tô. Sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá kết quả và bắt đầu lên kế hoạch cho giai đoạn thương mại hóa trên quy mô lớn”, ông Hirofumi nói.
Dù vậy, khúc mắc phải làm gì với khí CO2 thải ra trong quá trình sản xuất hydro vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chính quyền bang Victoria đang xúc tiến nỗ lực phát triển công nghệ thu giữ khí thải CO2 và lưu giữ chúng dưới đáy đại dương. Các nhà nghiên cứu cho rằng, địa hình đáy biển ngoài khơi bờ biển Victoria thích hợp để thu giữ CO2 vì có một lớp đá giống bọt biển và một lớp đá cứng che kín phía trên. Chính quyền bang Victoria hy vọng dự án thí điểm sẽ tạo ra 400 việc làm. Khi dự án chuyển sang giai đoạn thương mại, có thể tạo thêm hàng ngàn việc làm. Ông Tim Pallas, người đứng đầu cơ quan tài chính bang Victoria, cho biết: “Tôi hy vọng việc tìm ra cách sử dụng hữu ích và thân thiện với môi trường của nguồn tài nguyên than nâu sẽ mang lại sự giàu có và cơ hội cho cộng đồng”.
Nếu dự án thành công và đưa đến việc sản xuất hydro rộng rãi hơn ở Australia, hydro có thể trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia này. Điều này cũng có thể giúp Nhật Bản tiến một bước dài hướng tới mục tiêu giảm 46% lượng khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 2013.