Năng lực, thực lực hay nỗ lực

Xu hướng tuyển dụng nhân sự vào việc ngay, không cần qua thời gian đào tạo trở nên phổ biến ở nhiều nơi. Sự cần thiết về mặt nhân sự đáp ứng công việc, đòi hỏi nhiều nhà tuyển dụng nhắm đến người có kinh nghiệm thực tế trước khi yêu cầu bằng cấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Từ đó xuất hiện khái niệm New collar - thuật ngữ chỉ dạng lao động có tay nghề cao và kinh nghiệm làm việc thực tiễn dày dạn nhưng không, hoặc chưa có bằng cấp chuyên môn.

Khái niệm New collar xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội Mỹ trong khoảng 2 năm nay, và dần dần được giới trẻ nhiều nơi hưởng ứng. Việc hoàn thành các cấp học và bước vào đại học không còn là lựa chọn duy nhất của thế hệ gen Y, gen Z (sinh từ 1981-1996 và 1997-2012). Thay vào đó, thế hệ lớn lên cùng sự phát triển của internet và công nghệ, chọn những khóa học nghề cao cấp, lớp học trực truyến chuyên sâu, thậm chí là du học tự túc về lĩnh vực mình yêu thích. Tất nhiên, những khóa học này cung cấp kiến thức ứng dụng nhiều hơn lý thuyết và phần lớn chỉ cấp cho người học chứng chỉ hoàn thành chứ không phải bằng cấp đại học hay cao đẳng.

Mai Lan Anh (30 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) trở thành người đào tạo kỹ thuật viên chăm sóc da sau gần 5 năm vừa làm vừa học các khóa học về da liễu trong và ngoài nước. Lan Anh chia sẻ: “Sau tốt nghiệp cấp 3, tôi không đậu đại học nên tự tìm một hướng đi phù hợp với năng khiếu và sở thích của mình. Tôi vừa học vừa làm, tiền lương kiếm được để dành đi học nghề, cứ tích lũy dần đến khi đầy đủ kinh nghiệm làm việc, xử lý thực tế. Khi mình tham gia các khóa đào tạo ngắn, dù chỉ có chứng chỉ hoàn thành, nhưng nó cũng cung cấp cho mình kiến thức mới để ứng dụng, và khi bản thân đã khẳng định được uy tín trong ngành thì tự khắc nhiều nơi mời mình đào tạo lại cho đội ngũ của họ, và cố vấn trong những ca điều trị nặng”.

Câu chuyện của Mai Anh trở nên phổ biến với nhiều bạn trẻ, làm được việc là tiêu chí hàng đầu, bằng cấp tính sau. Bỏ ngang năm 2 đại học, theo đuổi và tự học làm hậu kỳ hình ảnh giúp Mỹ Linh (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) trở thành quản lý một thương hiệu ảnh cưới trong thành phố.

“Chỉnh sửa hình ảnh, video thì chịu khó mày mò trên mạng có nhiều trang hướng dẫn lắm, hiểu được cơ bản một chút rồi thì mình đăng ký các khóa học thêm, học hỏi các anh chị đi trước. Làm nghề này chịu khó cập nhật xu hướng, lắng nghe mong muốn khách hàng, thì khách trước giới thiệu khách sau thôi. Làm ở cửa hàng một thời gian, tôi cũng được cân nhắc lên vị trí quản lý dù bản thân đến giờ vẫn chưa có bằng đại học”, Mỹ Linh kể.

Lao động được việc hay New collar cũng là một xu hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng lựa chọn nào cũng cần năng lực, thực lực và nỗ lực để tạo dựng kinh nghiệm, chuyên môn và uy tín cho chính mình, tự tin khẳng định bản thân trước nhà tuyển dụng khi CV (Curriculum Vitae, tạm dịch: hồ sơ ứng tuyển) còn trống mục bằng cấp.

Tin cùng chuyên mục