Năng lực đâu để “ôm” hết?

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến bộ, ngành chức năng và các chuyên gia để dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.
Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: VGP
Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: VGP

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội thời gian tới nên có khá nhiều quy định mới mang tính đột phá nhưng lại khiến dư luận và người dân rất băn khoăn. Cụ thể, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Điều 26 về “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân” có nêu: “Chuyển giao các bệnh viện (BV) thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về TP Hà Nội quản lý, trừ các BV thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; BV của các trường đại học”.

Trước dự thảo quy định nêu trên, lãnh đạo các BV trung ương và nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành y tế đều bày tỏ quan điểm không đồng tình. Đồng thời, không ít ý kiến cho rằng, nếu quy định như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Hơn nữa, nếu thực hiện chuyển các BV trung ương trên địa bàn Hà Nội về cho Hà Nội quản lý thì không chỉ bất hợp lý, khiên cưỡng mà còn trái với quy định pháp luật. Bởi trong Luật Khám chữa bệnh có những quy chế tổ chức hoạt động đã quy định chức năng, nhiệm vụ của BV tuyến trung ương. Do đó, việc đưa các BV tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý là việc hệ trọng phải cân nhắc kỹ lưỡng và phải có đánh giá tác động trước khi ra quyết định. Vì đây không phải là việc chuyển một hay một số BV của Bộ Y tế về Hà Nội mà đây là việc liên quan đến sự phát triển chung của toàn ngành y tế.

Hơn nữa, với các BV trung ương đầu ngành đang ở Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương… còn có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân toàn quốc và gần 10 triệu người dân thủ đô. Đồng thời, các BV trung ương còn có nhiệm vụ rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương theo sự phân công, điều động, phối hợp của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương. Đặc biệt, các BV trung ương còn là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Vai trò này thể hiện rõ trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, khi có dịch bệnh trên toàn quốc, Bộ Y tế sẽ dễ dàng điều động các BV hỗ trợ địa phương chống dịch.

Về năng lực của Hà Nội cần phải sòng phẳng rằng sẽ khó có thể quản lý được các BV trung ương khi chuyển về. Hiện Sở Y tế Hà Nội đang quản lý 30 cơ sở y tế tuyến huyện, 42 BV công, 43 BV tư nhân và khoảng 4.000 phòng khám, nhà thuốc tư nhân đã quá tải, mà nay còn quản lý thêm gần 40 BV tuyến trung ương trên địa bàn thì làm sao đảm nhiệm nổi? Chưa kể, việc mua sắm đấu thầu tập trung, làm sao Hà Nội lại có thể lo cho các các BV tuyến trung ương được nếu các BV tuyến trung ương thuộc thành phố quản lý. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội liệu có đủ năng lực để phê duyệt hết đề tài, chương trình của các BV tuyến trung ương khi mà lãnh đạo các BV trung ương hầu hết là các chuyên gia đầu ngành, uy tín không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế?

Tin cùng chuyên mục