Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” do VietnamBiz phối hợp cùng Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (CFO) tổ chức tại TPHCM chiều 9-11, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (thuộc Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước) chia sẻ: từ đầu năm 2023, TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung trong xu hướng giảm điểm kể từ tháng 9 và thanh khoản dần cải thiện trong nửa cuối năm. Thị trường chịu áp lực giảm điểm trước sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lo ngại về tác động của căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, áp lực tỷ giá cùng các động thái rút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua hoạt động bán tín phiếu.
Mặc dù vậy, bà Tạ Thanh Bình cũng chỉ ra một số tín hiệu tích cực tới thanh khoản trên TTCK trong thời gian tới như lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ... “Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Cụ thể, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô, công tác điều hành kinh tế; phối hợp với các tổ chức liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra”, bà Tạ Thanh Bình nhấn mạnh.
Nói về dòng vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp) vào Việt Nam gần đây chững lại khi Việt Nam thiếu vắng các thương vụ IPO lớn chứ không sôi động như giai đoạn 2016-2018, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán VPBankS cho rằng, trong giai đoạn trước đây, đặc biệt là năm 2017 là quá trình IPO các doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước, đưa lên niêm yết rất quyết liệt của Chính phủ. Chỉ trong năm 2017 có 70 doanh nghiệp Nhà nước được đưa lên niêm yết, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Sabeco, Petrolimex... Đây là những chất xúc tác tốt cho dòng vốn FII. Với giai đoạn hiện nay vẫn còn rất nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhưng quá trình IPO đang bị chững lại.
Nói thêm về dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam, ông Linh cho biết, thời gian vừa qua, sự chênh lệch về chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước dẫn đến sự chênh lệch lãi suất, gây ra tình trạng rút vốn nhưng Việt Nam lại là quốc gia có mức độ rút vốn nhỏ nhất so với các nước Đông Nam Á. Theo ông Linh, trong 2 quý liên tiếp, vốn ngoại bị rút ròng khoảng 350 triệu USD, con số này không lớn so với tổng vốn và so với số rút ròng ở các quốc gia khác. Từ đó, ông Linh nhận định, năm 2024, mức rút ròng sẽ được thu hẹp vì sự chênh lệch về chính sách tiền tệ không còn nhiều. Khi lạm phát của Mỹ được kiểm soát, FED không tăng lãi suất mà khả năng có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Cùng với sự hồi phục của các nền kinh tế mới nổi, dòng vốn FII sẽ chọn lọc kỹ hơn trong số các nền kinh tế phát triển, nơi có những câu chuyện riêng để đầu tư nhưng Việt Nam sẽ là một điểm đến. “Trong đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi cũng là yếu tố quan trọng. Và để tăng dòng vốn FII vào Việt Nam giai đoạn 2024-2026 thì Chính phủ cần đẩy mạnh quá trình IPO, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước cũng như thúc đẩy câu chuyện nâng hạng thị trường theo đúng kế hoạch là năm 2024-2025”, ông Linh nhấn mạnh.