Sau khi cho mẹ và 2 bệnh nhân khác trong phòng uống sữa, chị lại đảo một vòng ở tầng trệt để xem ai cần gì thì giúp. Mỗi ngày ba, bốn bận như vậy nên những chuyện như thay bỉm, đổ bô, kiểm tra bình oxy cho bệnh nhân ở tầng trệt BV đã chẳng còn xa lạ với chị.
Chị Phương từng trải qua đợt khủng hoảng khi cả gia đình 6 người đều mắc Covid-19. Nhanh chóng lấy lại tinh thần, chị tự xoay xở điều trị cho mình và người thân. Do có bệnh nền, lại lớn tuổi nên ba mẹ chị chuyển nặng, được đưa vào BV. Ba chị mất trong sự hụt hẫng của con cháu. Mẹ chị vẫn đang điều trị. Chị từng là F0 nên được vào BV chăm mẹ. Nơi mẹ chị nằm là khu vực có gần 100 bệnh nhân nặng nhất đang được điều trị tại đây. Nhân viên y tế thiếu, BV quá tải nên việc chăm sóc bệnh nhân cũng còn hạn chế. “Lo cho mẹ tôi xong quay sang bên cạnh thấy ai cũng cần được chăm sóc nhưng đâu phải ai cũng có người thân, nhân viên y tế không thể đủ sức bao quát hết. Nhìn mọi người nằm đấy, xót quá nên tôi chủ động chăm họ luôn”, chị Phương chia sẻ.
Từ tranh thủ, trợ giúp vài người rồi đến cả tầng trệt của BV đều in hằn bước chân của chị. Người tỉnh táo, biết chị đi qua gọi nhờ lấy cho ly nước, giặt dùm cái khăn, người yếu thì nằm đấy, không nhờ vả gì cũng được chị Phương tận tình kiểm tra bình oxy, thay bỉm, lau người, pha sữa... Chị nhờ người thân bên ngoài mua sữa, bỉm cho mẹ thì mua dư thêm nhiều phần để tặng mọi người. Hai chiếc bàn chứa đầy sữa, bỉm, bánh, trái cây được chị đặt ngay trong sảnh, ai cần thì lấy. Bạn bè, người thân biết chuyện cũng gom góp chút ít cùng chị chăm lo thêm cho người bệnh. Ở riết chị đã quen thuộc, biết rõ ai bị bệnh nền để chăm sóc cho kỹ.
Những bản nhạc không lời được chị Phương mở lên làm bầu không khí khu điều trị BV bớt nặng nề… Khi được hỏi nếu mẹ chị xuất viện, liệu chị có trở lại BV điều trị bệnh nhân Covid-19 quận 7 làm tình nguyện viên, chị Phương khẳng định thu xếp việc nhà đâu vào đấy, chị sẽ trở lại nơi đây mỗi tuần đôi ba ngày để phụ giúp.