Sở Xây dựng TPHCM cũng đã dựa trên tinh thần này đề xuất một đề án về đấu giá cho thuê nhà đất. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, bài toán quản lý nhà đất công hiệu quả cần sớm có lời giải.
Nhiều thất thoát, lãng phí
Năm 2003, Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) hoàn thành công tác bồi thường, bàn giao cho đơn vị thi công xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Dự án thực hiện xong, còn sót lại một số thửa đất “có diện tích nhỏ hẹp”, trong đó có phần diện tích thuộc dự án Khu E (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh). Năm 2014, UBND TPHCM chỉ đạo sử dụng tạm diện tích này để đầu tư lập bãi hạ tải phục vụ công tác kiểm tra xử lý xe quá tải.
Năm 2015, việc lập trạm hạ tải tại vị trí này không thực hiện nữa do không phù hợp quy hoạch khu Nam. Đến nay, khu đất này bị người dân chiếm dụng trái phép để kinh doanh... Đó chỉ là một trong nhiều khu đất còn dư sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và là tài sản công đang được quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thoát lãng phí.
Trong khi đó, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn TPHCM, hiện đang quản lý 5 loại nhà, gồm: nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư; quỹ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước không dùng vào mục đích để ở (gọi là Quỹ nhà 167 và 67); quỹ nhà ở xã hội có nguồn vốn từ ngân sách; nhà ở công vụ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết chia sẻ, từ năm 2020, UBND TPHCM đã quyết định đưa về một đầu mối quản lý, khai thác là Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng (gọi tắt là Trung tâm) nhưng các địa phương, đơn vị bàn giao chưa đầy đủ về số lượng và hồ sơ pháp lý, có nhiều căn nhà mà giấy tờ là nhà ở sở hữu nhà nước nhưng thực tế đã được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Tương tự, với nhà, đất tái định cư, lẽ ra cũng phải bàn giao đầy đủ cho Trung tâm, nhưng hơn 2.000 căn hộ và khoảng 1.500 nền đất chưa bàn giao được. Lý do là nhiều nơi chỉ quản lý trên giấy tờ; hàng trăm nền đất không có ranh mốc, bị chiếm dụng... Đơn cử, ở TP Thủ Đức, Khu biệt thự Thiên Nga nằm ở vị trí đắc địa, 3 mặt tiền, diện tích hơn 7.000m2 với 7 căn nhà bỏ hoang suốt hơn 6 năm qua...
Chưa hết, hàng loạt mặt bằng thuộc quản lý nhà nước đang để trống nhưng hàng năm ngân sách vẫn phải bỏ ra rất nhiều tiền để duy tu, bảo vệ, tránh bị lấn chiếm. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM đang quản lý 353 địa chỉ nhà đất cho thuê làm văn phòng, sản xuất, kinh doanh và 495 căn cho thuê. Trong đó, có 115 nhà đất đang để trống nhưng không được cho thuê kinh doanh do chưa có cơ chế khai thác cho thuê. Nhà để trống không phát sinh doanh thu, nhưng công ty vẫn phải nộp tiền thuê đất hàng năm hơn 40 tỷ đồng và phát sinh chi phí quản lý, bảo trì. Tương tự, mỗi năm, Sở Xây dựng phải chi hết 77 tỷ đồng để vận hành, bảo trì quản lý các nhà đất trống.
Cần năng động, sáng tạo
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, trước năm 2019, TPHCM vẫn chưa xác định được quỹ nhà đất công trên địa bàn. Năm 2019, Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 24 về kiểm tra, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố. Năm 2020, UBND TPHCM quyết định thực hiện quản lý một đầu mối tại Trung tâm. Từ đó, các cơ quan mới làm công tác thống kê, tổng hợp và chuyển dữ liệu về Trung tâm. Khách quan nhìn nhận, bên cạnh công tác quản lý thực địa hạn chế, thì quy định trong lĩnh vực quản lý nhà đất công hiện nay còn thiếu, lạc hậu và gây khó cho công tác quản lý, khai thác.
Chẳng hạn, TPHCM có chủ trương bán đấu giá gần 5.000 căn hộ, nhưng đến nay chưa có quy trình thực hiện bán đấu giá. Hay như các căn nhà ở công vụ, hiện đang áp giá thuê được tính từ năm 1994 cộng thêm trượt giá. Nhóm nhà đất diện quản lý theo Quỹ nhà 167 và nhà đất khác giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, giữ hộ (ở TPHCM là Trung tâm), chưa có quy định về khai thác cho thuê. Ở cấp cao hơn, Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý. Tuy nhiên, đã gần 2 năm nhưng nghị định chưa ra đời, nên trong lúc chờ nghị định, Sở Xây dựng TPHCM đã đề xuất Đề án thực hiện thí điểm đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 167/2017 và Nghị định số 67/2021 của Chính phủ.
Đề án này được đề xuất trên tinh thần thực hiện Kết luận 14. “Chúng ta thuê đơn vị thẩm định giá để xác định giá khởi điểm, sau khi được UBND TPHCM duyệt thì tổ chức đấu giá cho thuê. Quan trọng là công khai, minh bạch”, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng Nguyễn Thanh Hải nói. Việc vận dụng Kết luận 14 trong quản lý nhà đất công được lãnh đạo TPHCM nhiều lần đề cập nên đề xuất nêu trên của Sở Xây dựng là một trong những nội dung mà UBND TPHCM đã chỉ đạo.
Theo lãnh đạo thành phố, Bộ Tài chính đang xây dựng các nghị định mới thay thế các nghị định cũ liên quan đến quản lý tài sản công. Tuy nhiên, không phải vì chờ việc sửa đổi này mà “đứng hết mọi việc”. Góp ý thêm ở góc độ chuyên gia, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright) nhận định, trong quản lý nhà đất công, đấu thầu là cơ chế rất quan trọng. Các nhà kinh doanh, khai thác sẽ đánh giá tiềm năng sinh lợi từ quỹ nhà đất công, lên phương án khai thác và đưa ra giá phù hợp để tham gia đấu thầu.
Quỹ nhà đất công hiện nay
-Nhà ở cũ: 7.921 căn (đã bàn giao về Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng 7.856 căn)
- Nhà, đất phục vụ tái định cư: 9.890 căn hộ và 2.230 nền đất (đã bàn giao thực tế 7.584 căn hộ và 777 nền đất)
-Nhà ở xã hội: 721 căn tại 7 chung cư
-Nhà ở công vụ: 69 căn hộ
-Nhà đất chưa xác lập quyền sở hữu nhà nước: 1.084 địa chỉ
-Đất trống, đất dôi dư sau bồi thường, giải tỏa các dự án nhưng chưa kê khai, xác lập quản lý nhà nước: 2.380 nhà đất, diện tích hơn 530ha
-Quỹ nhà đất theo Nghị định 167/2017: 9.295 địa chỉ