Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp hội Đoàn kết với người tị nạn và di cư (SGDD-ASAM) vừa khởi động một dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người tị nạn khuyết tật và những người hỗ trợ họ ở Thổ Nhĩ Kỳ với các dịch vụ bảo vệ. Dự án này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Hỗ trợ nhân đạo của Liên minh châu Âu (EU).
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận 4 triệu người tị nạn, trong đó có 3,6 triệu người Syria, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Theo một nghiên cứu do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thực hiện năm 2017, cứ 10 hộ gia đình tị nạn thì có một người bị khuyết tật.
Hầu hết những người khuyết tật đều cảm thấy tự ti, mặc cảm với những khiếm khuyết của bản thân. Điều đó làm cho họ khó hòa nhập trong xã hội. Vậy mà người khuyết tật ở đây còn là người tị nạn tìm đường sống ở một xã hội khác, vốn khó khăn về tài chính và bất đồng ngôn ngữ. Ý thức thân phận “tị nạn” khiến người tị nạn khuyết tật trở nên dễ bị tổn thương hơn khi tìm việc làm, hoặc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế, đồng thời có thể dẫn đến các vấn đề mặc cảm tâm lý do giảm sự tự tin và cảm giác bị xã hội bỏ rơi.
Để người khuyết tật bỏ qua mọi mặc cảm tự ti và cố gắng, kiên trì hòa nhập với cộng đồng, rất cần những bàn tay nâng đỡ họ thực hiện ước mơ “đứng thẳng”. Đó cũng là mục đích của dự án tăng cường khả năng tiếp cận của người tị nạn khuyết tật với các dịch vụ bảo vệ ở Thổ Nhĩ Kỳ do UNFPA phối hợp với SGDD-ASAM phát động. Đại diện của UNFPA cho biết: “Trong phạm vi dự án, người tị nạn và người di cư khuyết tật cùng những người hỗ trợ họ được cung cấp các dịch vụ bảo vệ, bao gồm tham vấn, thông tin, hỗ trợ tâm lý - xã hội, các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, cũng như giới thiệu và hỗ trợ trong việc tiếp cận các dịch vụ khác thông qua 2 đơn vị dịch vụ ở Ankara và Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ”. Một cuộc khảo sát của UNFPA tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, một nửa trong số người tị nạn và người di cư khuyết tật cần được phẫu thuật và dùng thuốc men, trong đó có 1/3 cần chân tay giả và các thiết bị chỉnh hình.
Nếu khuyết tật là một điều bất hạnh thuộc về số phận, không thể tránh thì giúp người khuyết tật hòa nhập lại là một lựa chọn của mọi cá nhân, tổ chức, để cùng nhau làm nên sự khác biệt tích cực cho cộng đồng.