Nâng chỉ số năng lực cạnh tranh để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh

Mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam là đến cuối năm nay, Việt Nam phải giảm số giờ nộp thuế từ 872 giờ (năm 2014) xuống còn 171 giờ để ngang bằng với mức bình quân của các nước ASEAN. Thế nhưng, khi đã đạt chỉ tiêu thời gian thì liệu có tạo được chỉ số hài lòng với quy trình, tác phong phục vụ của cán bộ như hiện nay?
Nâng chỉ số năng lực cạnh tranh để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh

Mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam là đến cuối năm nay, Việt Nam phải giảm số giờ nộp thuế từ 872 giờ (năm 2014) xuống còn 171 giờ để ngang bằng với mức bình quân của các nước ASEAN. Thế nhưng, khi đã đạt chỉ tiêu thời gian thì liệu có tạo được chỉ số hài lòng với quy trình, tác phong phục vụ của cán bộ như hiện nay?

Người dân mệt mỏi chờ bảo hiểm xã hội. Ảnh: CAO THĂNG

Chỉ số rộng, nỗ lực hẹp

Theo báo cáo môi trường kinh doanh do Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, cách tính chỉ số nộp thuế là bao gồm thời gian, chi phí tuân thủ thuế và thực hiện các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của nhà nước. Trong đó, có các loại thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài, phí xăng dầu, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các khoản bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn (nói chung là thời gian tuân thủ thuế). Tiêu chí đánh giá dựa trên số lần nộp thuế, thời gian nộp thuế và tổng mức thuế suất phải nộp.

Theo cách tính đó, số liệu khảo sát vào năm 2014 cho thấy số lần nộp thuế của mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam là 32 lần/năm và thời gian nộp thuế là 872 giờ với tổng mức thuế suất là 35,2%. Trong khi đó, ở cùng thời điểm, các nước ASEAN chỉ mất 172 giờ nộp thuế.

Trong 872 giờ tuân thủ thuế của doanh nghiệp trong năm thì tính riêng thời gian nộp trong lĩnh vực thuế là 537 giờ, thời gian nộp các loại bảo hiểm là 335 giờ; trong 32 lần nộp thì 20 lần nộp thuế và 12 lần nộp bảo hiểm; mức thuế suất của thuế chỉ 11,5% và bảo hiểm đến 23,7%. Như vậy, để đạt được con số 171 giờ/năm vào cuối năm nay, theo tính toán, cơ quan thuế phải cắt giảm 415,5 giờ (còn lại 121,5 giờ) và cơ quan bảo hiểm xã hội phải cắt giảm 285,5 giờ (còn lại 49,5 giờ). Bằng mọi giải pháp rút ngắn thời gian tiến hành các thủ tục nói chung, năm qua cơ quan thuế đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy trình, tạo nhiều tiện ích cho doanh nghiệp. Hiện cơ quan thuế đã ứng dụng công nghệ thông tin, bỏ bớt quy trình nhằm làm giảm số giờ nộp thuế như: khai thuế giá trị gia tăng theo quý (thay vì khai theo tháng như trước đây), rút số lần khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ 4 lần/năm xuống còn 1 lần/năm; sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ hàng trăm thủ tục hành chính; đơn giản các bảng mẫu khai thuế, bỏ bớt các chỉ tiêu không cần thiết trong các tờ khai… Nhờ vậy, số giờ nộp thuế đã giảm được hơn 370 giờ (chỉ giảm thêm 167 giờ nữa là đạt chỉ tiêu).

Trong khi đó, ngành bảo hiểm xã hội dù cũng thí điểm ứng dụng phần mềm nộp bảo hiểm xã hội điện tử, cải cách quy trình nhưng kết quả chỉ giảm được 100 giờ, còn phải giảm thêm đến 185 giờ mới đạt chỉ tiêu đặt ra. Như vậy, so với con số mỗi đơn vị phải giảm thì ngành thuế đã “qua mặt” ngành bảo hiểm, dù chỉ số ban đầu ở mức cao hơn.

Đấy chính là sự nỗ lực không đồng bộ của các ngành trong việc cùng nhau cắt giảm số giờ tuân thủ thuế nói chung.

Chỉ số hài lòng: khi nào?

Anh Phan Sơn Tùng, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, thời gian qua việc cải cách của ngành thuế đã giảm công sức cho doanh nghiệp trong khai báo thuế. Cái được lớn nhất của cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin là hạn chế sự tiếp xúc của doanh nghiệp với cán bộ thuế. Những năm trước đây, hàng tháng phải đi nộp báo cáo thuế, sợ cán bộ hoạnh họe nên doanh nghiệp phải kẹp 500.000 - 1.000.000 đồng để mua sự an tâm, nay việc này không còn nữa vì đã khai thuế điện tử. Thế nhưng, một đơn vị chuyên làm báo cáo thuế cam kết rằng, không doanh nghiệp nào quyết toán thuế mà không phải lót tay, phong bì mà yên được… Còn chị Nguyễn Thị Thủy ở Bình Thạnh thì cho rằng, chế độ và các quy định bảo hiểm bây giờ không cải tiến là bao mà cách tính phức tạp hơn trước. Khi công ty có một cán bộ nghỉ việc, nghỉ hưu thậm chí phòng nhân sự của công ty không ai biết cách tính thế nào…

Theo báo cáo môi trường kinh doanh, mục tiêu của việc khảo sát, cung cấp các chỉ số này nhằm công khai năng lực cạnh tranh, giúp các nhà đầu tư chọn điểm đến để đầu tư. Có nghĩa là, việc cải cách thủ tục hành chính của các quốc gia là phục vụ tốt nhất yêu cầu của doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu các ngành chỉ chạy theo chỉ tiêu thời gian với những cải cách mang tính “bề nổi” như rút ngắn thời gian tính, khai, nộp thuế, bảo hiểm thôi, thì chưa thể mang lại chỉ số “hài lòng” để đạt được chỉ số cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào Việt Nam. Riêng những cải cách trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ là biểu mẫu, trong khi các quy định trước đây, người dân và doanh nghiệp có thể tự tính tiền trợ cấp, lương hưu của mình, còn quy định hiện nay “rối” đến độ khiến người dân và doanh nghiệp… mù tịt! Còn đối với ngành thuế, việc cải cách mới ở “đầu vào” còn “đầu ra” như quyết toán thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra, xử lý khiếu nại tố cáo… - những vấn đề nóng - thì chưa được đưa vào báo cáo. Một khi các ngành chưa “đột phá” vào các điểm “nóng”, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì dù thời gian có rút ngắn, chỉ số hài lòng vẫn còn xa…

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục