Nâng chất y tế cơ sở: Địa phương cần vào cuộc chủ động hơn

Trong các ngày 19, 25, 26, 27- 10, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TPHCM, do Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng làm trưởng đoàn, đã đến một số quận huyện giám sát về tình hình triển khai củng cố nâng cao năng lực y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ nghỉ hưu tham gia công tác khám chữa bệnh cho người dân ở Trạm Y tế xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM
Bác sĩ nghỉ hưu tham gia công tác khám chữa bệnh cho người dân ở Trạm Y tế xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM

Thiếu hụt lớn nhân sự

Tại buổi giám sát của đoàn ở huyện Hóc Môn, bác sĩ (BS) Ngô Cao Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn cho biết, tổng số BS đang làm việc tại trung tâm y tế huyện và trạm y tế (TYT) là 35 trong tổng số 60 chỉ tiêu biên chế. Trong đó, chỉ có 13 BS ở 12 TYT, phụ trách trên 420.000 dân và 3 BS chưa có chứng chỉ hành nghề. Có 2 TYT khuyết vị trí trạm trưởng là TYT xã Tân Thới Nhì, TYT xã Xuân Thới Thượng. “3 năm qua không tuyển dụng được BS về TYT, dẫn tới người dân chê trạm nên các TYT trung bình chỉ có 150-200 lượt khám/ngày. Đây là tỷ lệ rất thấp nếu xét theo quy mô người dân đăng ký khám chữa bệnh tại TYT bằng thẻ bảo hiểm y tế trên toàn huyện”, BS Dũng thừa nhận.

Ở huyện Bình Chánh, khá thuận lợi khi trên địa bàn có Cụm Y tế Tân Kiên và một số bệnh viện Trung ương trú đóng, hỗ trợ chuyên môn, nhân lực cho tuyến y tế cơ sở nên hiện 16 TYT có từ 2-3 BS/ trạm. Qua đó, riêng 9 tháng-2023, y tế cơ sở huyện Bình Chánh đã thăm khám, điều trị cho gần 20.000 lượt người bệnh. Về lâu dài, theo Thông tư 03 của Bộ Y tế ngày 17-2-2023 về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập và xét tổng số dân trên địa bàn, so với 135 biên chế y, BS đang có, huyện sẽ thiếu 189 BS. Quận Bình Tân hiện thiếu 34/233 chỉ tiêu biên chế, còn theo Thông tư 03, quận thiếu 163 y, BS.

Ngoài việc thiếu nhân viên y tế, một số trung tâm y tế, nhất là TYT còn gặp khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế cũ kỹ, thiếu thuốc bảo hiểm y tế nên không tổ chức được công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thiếu nghiêm trọng nguồn BS các chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt. Các địa phương cũng chậm trễ trong việc bàn giao công sản gồm cơ sở vật chất, tài chính, nhân sự… của các trung tâm y tế trước đây do Sở Y tế TPHCM quản lý chuyển về cho quận, huyện nên việc cải tạo, sửa chữa không thực hiện được.

Còn thụ động

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, khó khăn trong công tác phân bổ nhân sự là điểm khó của ngành từ trước đến nay. Tuy nhiên, đa số địa phương chưa thật sự chủ động trong công tác này, vì có quận, huyện đến nay còn khuyết 25-40 chỉ tiêu biên chế. Đây là vấn đề ở khâu tuyển dụng. Về vấn đề thiếu thuốc, nhất là thuốc theo danh mục bảo hiểm y tế, thành phố đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế cho phép thành phố mở rộng danh mục đấu thầu cấp địa phương trong thời gian sớm nhất.

Trạm y tế xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) sử dụng trên 20 năm nay đã xuống cấp

Trạm y tế xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) sử dụng trên 20 năm nay đã xuống cấp

Các đại biểu HĐND TPHCM cũng đề nghị địa phương phải làm tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ; mạnh dạn trong công tác đấu thầu thuốc; liên thông bệnh án điện tử, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ nhân viên y tế nhằm quản lý bệnh án tốt hơn. “UBND quận, huyện cần tham mưu cho quận ủy, huyện ủy có nghị quyết riêng về nâng cao chất lượng y tế cơ sở; nghiên cứu lập đề án hướng nghiệp, tuyển dụng những học sinh THPT có đam mê với ngành y trên địa bàn, đưa đi đào tạo bằng kinh phí từ nguồn ngân sách. Chính các em sẽ là nguồn lực tại chỗ quan trọng, bù đắp thiếu hụt nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương”, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 của HĐND TPHCM ra đời không chỉ nhằm mục tiêu phòng chống dịch Covid-19 mà còn những dịch bệnh khác. Nghị quyết 01 còn hướng đến nâng chất tuyến y tế cơ sở, đầu tư đồng bộ, hiện đại cho hệ thống y tế tuyến cuối, nhằm chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn TPHCM và khu vực phía Nam ngày một tốt hơn. Do đó, việc HĐND TPHCM tổ chức các buổi giám sát nhằm đánh giá lại ngành y tế và địa phương qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 01 về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực TYT phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đề án Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030 gặp những khó khăn, vướng mắc gì để bổ sung cơ chế, chính sách nhằm thực hiện thành công nghị quyết. “Tới đây, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM sẽ làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM - đơn vị được HĐND TP giao làm chủ đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 TYT tuyến phường, xã trên địa bàn thành phố để dự án được triển khai trong quý 1-2024”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 8, cho rằng: “Nghị quyết 01 của HĐND TPHCM là nguồn động viên, khuyến khích y tế cơ sở khắc phục khó khăn, đã bổ sung cơ chế và nguồn kinh phí đáng kể nhằm hỗ trợ tuyến y tế cơ sở trên địa bàn quận hoàn thành tốt công tác chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân. Đặc biệt, nhờ có Nghị quyết 01, công tác tuyển dụng y, BS đạt kết quả tích cực, trong 16 TYT của quận 8, hiện có 8 TYT có 2 BS, 3 TYT có 3 BS, 1 TYT có 4 BS và 1 TYT có 5 BS. Tất cả BS có chứng chỉ hành nghề và đảm bảo 100% TYT có nhân sự là bảo vệ, nhân viên vệ sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y được đầu tư; đảm bảo đầy đủ thuốc bảo hiểm y tế phục vụ người dân”.

Tin cùng chuyên mục