Để không còn “giá như”!
Sáng 23-3, tại Hội nghị tập huấn kỹ năng hướng nghiệp và giới thiệu công cụ, mô hình thực hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT năm học 2020-2021 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, TS Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, cho biết, theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, trong quý 4-2019, cả nước có 218.000 người lao động thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên. Trong khi đó, học phí trung bình hiện nay ở các trường đại học là 25 triệu đồng/sinh viên/năm học, một cử nhân tốt nghiệp đại học tiêu tốn tổng chi phí đào tạo 100 triệu đồng/4 năm. “Nếu nhân lên 218.000 người thì số tiền lãng phí hơn 21.000 tỷ đồng. Đây là tổn thất cực kỳ lớn của xã hội”, TS Đào Lê Hòa An phân tích.
Ở góc độ khác, nhiều sinh viên học đến năm 2, năm 3 đại học chấp nhận bỏ học giữa chừng, chuyển ngành học khác vì phát hiện năng lực bản thân không phù hợp ngành học. Từ thực tế đó, TS Đào Lê Hòa An chỉ ra bất cập là lâu nay, nhiều người vẫn lầm tưởng hướng nghiệp là lựa chọn nghề nghiệp yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định đó chỉ là phần ngọn của quá trình tư vấn. Hướng nghiệp phải là quá trình tác động liên tục khi người học còn ngồi trên ghế nhà trường, trải qua 4 - 5 năm đào tạo chuyên sâu và tìm được nơi lao động phù hợp.
Theo nhiều chuyên gia tư vấn, từ năm 2015 đến nay, Bộ GD-ĐT giữ ổn định phương thức dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Năm 2020, tỷ lệ học sinh đăng ký dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển đại học trên cả nước chiếm hơn 50%, giảm nhẹ so với năm 2019 do các trường đại học bổ sung thêm nhiều phương án xét tuyển như tuyển thẳng, xét tuyển từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ) hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực... Trước thực tế đó, học sinh cần tìm hiểu tất cả phương án xét tuyển của các trường đại học để có lựa chọn phù hợp nhất.
Đổi mới nội dung, phương pháp tư vấn
Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước phấn đấu đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Về đội ngũ giảng dạy, đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT trong cả nước phấn đấu có giáo viên kiêm nhiệm tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Để thực hiện các mục tiêu đó, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP cho rằng, trường học cần quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp. Cụ thể, đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, đa dạng hóa và vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp lứa tuổi học sinh, cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp và tìm kiếm việc làm…
Về lộ trình thực hiện lâu dài, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chương trình giáo dục ở bậc phổ thông được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 9 là giáo dục cơ bản và từ lớp 10 đến lớp 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp. Như vậy, mục tiêu của 3 năm học ở bậc THPT là học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp thông qua tổ hợp môn học được lựa chọn phù hợp năng lực, sở thích và nghề nghiệp sau này.
Thời gian tới, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường học sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Cụ thể, mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, nâng cao hiệu quả tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua chương trình giáo dục buổi 2 để tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đồng thời đa dạng hóa thông tin một cách đa chiều, mở rộng đối tượng học sinh được tư vấn nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT phù hợp yêu cầu phát triển của đất nước.