Liên kết còn yếu
Sản xuất nông nghiệp TPHCM chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm cao hơn bình quân cả nước, đạt 5,6%. Năm 2018, TPHCM đã lựa chọn các sản phẩm bò sữa, tôm, rau sạch, hoa lan, cây cảnh, cá kiểng là sản phẩm chủ lực nhằm phát triển mạnh nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đến năm 2020.
Các chủ trương, chính sách của thành phố đều tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp đô thị, trong đó tập trung các sản phẩm nông nghiệp chủ lực an toàn.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, nhận xét sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố và có xu hướng phát triển ổn định, có tiềm năng vừa mở rộng thị trường sản phẩm tiêu dùng vừa sản xuất giống chất lượng cao cung ứng tại thành phố và các tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đưa vào thị trường tiêu thụ còn ở mức độ khiêm tốn, chưa đáp ứng được 30% thị trường tiêu thụ tại thành phố.
Dù Hội Nông dân TPHCM đã hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi các sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng chưa được phát huy; các doanh nghiệp chưa đảm bảo tiêu chí quy chuẩn về mẫu mã bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng để đảm bảo các yêu cầu được cung ứng vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, phương thức thanh toán chưa hợp lý, vì vậy một số hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết cũng không triển khai thực hiện được.
Tương tự, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, cho biết trong thực tế mặt hàng nông nghiệp có xuất xứ từ TPHCM vào chợ đầu mối vẫn còn rất thấp. Để thị phần mang tính ổn định, phát triển cần phải có một đầu mối trong việc đảm bảo nguồn cung ứng ổn định ra thị trường.
Đối với những sản phẩm đặc thù nên đóng gói bao bì theo quy chuẩn chung nhằm giới thiệu, quảng bá nơi cung ứng, địa phương và địa chỉ nhà sản xuất để người tiêu dùng tiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giá cả cạnh tranh so với các địa phương khác.
Liên kết 4 nhà
Tuy nhiên, phía nông dân cho rằng khó khăn đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị nên không thể mở rộng quy mô. Ngược lại, các siêu thị yêu cầu nông dân cần đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối, quan tâm xây dựng thương hiệu.
Một thực trạng nữa là hợp đồng không có sự ổn định về giá, chất lượng, từ đó nông dân chỉ muốn bán cho thương lái. Để nhà sản xuất, nhà thu mua có thể “ngồi” lại với nhau thì cần có bên thứ 3 đứng ra chịu trách nhiệm, có thể nhà quản lý định hướng sản xuất và bảo lãnh cho nông dân đối với nhà thu mua.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo ông Nguyễn Văn Tủi, sản phẩm phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn và có khả năng cạnh tranh phát triển; phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cần phải áp dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch.
Nhằm giúp sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thị trường nhiều hơn, cần tập trung phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tham gia kết nối với các tỉnh, thành; tổ chức bầu chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hướng đến xây dựng thương hiệu. Xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm từ hoạt động sản xuất nuôi trồng đến hoạt động phối hợp.
Ngoài các yêu cầu chất lượng, mẫu mã, theo ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản của Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), để sản phẩm vào siêu thị ổn định, nhà thu mua ngoài việc chọn lọc sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng cũng nên yêu cầu nông dân phân khu vực nuôi trồng ra thành vườn nhỏ để kinh doanh cho kênh siêu thị, khắc phục tình trạng yêu cầu siêu thị thu mua cả vườn với sản lượng lớn một lần, chưa phù hợp với nhu cầu của kênh phân phối lẻ.
Các nhà thu mua có sự liên kết với các vùng trồng để xác định khả năng tiêu thụ của thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, chạy theo thị trường dẫn đến “được mùa, mất giá” gây thiệt hại cho các hợp tác xã, hộ nông dân.
Ngoài tận dụng các chính sách khuyến khích đầu tư nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng nông sản, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho rằng một trong những ưu tiên hàng đầu là tích cực xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gắn với hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - thương mại; trong đó các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết “4 nhà” sao cho chặt chẽ và hiệu quả.
Về thị trường, nhà thu mua cần nghiên cứu nhu cầu, xu hướng, những thay đổi của người tiêu dùng; áp dụng công nghệ tiên tiến để nắm bắt thông tin thị trường, giá cả.
Tham gia đầy đủ các chương trình cập nhật cung cấp thông tin; đặc biệt chú trọng các quy định của nhà nước, nhà phân phối, quy định trong cam kết FTA thế hệ mới với các quốc gia. Đối với thị trường nội địa, ITPC đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phân phối kinh doanh phục vụ ngành hàng nông sản thông qua các phiên chợ tại vùng ngoại thành; hoạt động kết nối các đơn vị phân phối lớn của thành phố. Ngoài ra, giới thiệu và hỗ trợ đưa hàng hóa vào các siêu thị, tập đoàn bán lẻ quốc tế để tiếp cận toàn cầu.