Dồn dập bản hit
Tại buổi giới thiệu phim điện ảnh Kiều, nhà sản xuất Tincom Media lần đầu ra mắt MV nhạc phim Kiều mệnh khúc với phần thể hiện của ca sĩ Bùi Lan Hương. MV được đầu tư chỉn chu về phần nhìn và nghe với chất liệu âm nhạc dân tộc khá đậm nét, hứa hẹn là bản hit khi chính thức ra mắt thời gian tới. Bùi Lan Hương hiện được xem là “nữ hoàng nhạc phim” khi đứng sau thành công của rất nhiều ca khúc đình đám.
Trước Kiều, cô cũng rất thành công với Ngày chưa giông bão (phim Người bất tử), Sự thật vỡ đôi (phim Tiệc trăng máu) và gần nhất là Đóa bạch trà trong phim Gái già lắm chiêu V.
Nói về ý tưởng thực hiện Đóa bạch trà, Bùi Lan Hương cho hay: “Đạo diễn giao tôi một chủ đề khá lạ. Bài hát nói về loài hoa cao sang - bạch trà, nhưng lại phải truyền tải được ẩn ý về cuộc đời, tình yêu và sự khát khao của người phụ nữ Lý gia. Cũng may thời gian đó đang trong khu cách ly, nên tôi lập tức tưởng tượng mình đang ở trong Bạch Trà viên cô quạnh. Tôi đã thay lời họ, nói lên tâm tư của chính mình”.
Ở mảng ca khúc nhạc phim, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua ca khúc Cha già đúng không trong bộ phim đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu Bố già.
Một điều khá thú vị, ca khúc này được chính MC, diễn viên Trấn Thành viết lại lời mới dựa trên bản gốc, sáng tác từng rất được yêu mến của Phạm Hồng Phước. Nếu bản gốc chinh phục khán giả bằng câu chuyện đậm tính cá nhân và riêng tư của tác giả, thì phiên bản mới đem lại những tâm sự mà bất cứ người con nào cũng sẽ trải qua khi bước vào tuổi trưởng thành.
Ca sĩ Ali Hoàng Dương, người thể hiện ca khúc này, nói: “Ban đầu, tôi rất lo lắng, bởi tác giả của bản nhạc đã tạo nên cái hồn và sức sống cho nó rồi. Tuy nhiên, khi được nghe những giai điệu đầu tiên của bài hát, mọi thứ từ ca từ lẫn cái tình trong bản nhạc này đều chạm mạnh đến trái tim của tôi”. Ca khúc này hiện thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên YouTube.
Thời gian gần đây, phim Việt có xu hướng tung ra ca khúc chủ đề sớm trước khi phát hành và dùng đó làm công cụ PR, quảng bá dự án. Hầu hết các ca khúc đều được đặt hàng từ những nhạc sĩ tên tuổi.
Rap Say được đạo diễn Lý Hải cho ra mắt khá sớm, trước ngày Lật mặt: 48H khởi chiếu, rút kinh nghiệm từ “sự cố” bản quyền ca khúc Gánh mẹ của Lật mặt: Nhà có khách.
Ca khúc Trạng Tí trong Trạng Tí phiêu lưu ký, hay Nhìn vậy mà không phải vậy trong Thiên thần hộ mệnh… cũng được PR khá rầm rộ.
Đầu tư lớn cho nhạc nền
Trong khi đó, ở mảng nhạc nền, sự chịu chi lên đến hàng tỷ đồng. Cuối năm 2019, đạo diễn Victor Vũ hé lộ mời dàn nhạc giao hưởng gồm 20 nhạc công châu Âu, thu âm cho Mắt biếc tại Bulgary.
Bước sang năm 2020 và 2021, xu hướng này phổ biến hơn. Sám hối có lẽ là bộ phim chịu chi nhất khi dành kinh phí đến 3 tỷ đồng, cùng sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng Anh quốc Macedonian Symphonic Orchestra.
Sam CS, người đảm nhận vai trò sáng tác nhạc phim Sám hối, cho biết: “Chúng tôi đã thu âm bản nhạc với dàn nhạc giao hưởng Macedonian Symphonic của Anh Quốc. Do thực hiện phần thu âm ngay trong mùa dịch, tất cả các nhạc công tham gia đều phải mang khẩu trang suốt quá trình chơi nhạc. Toàn bộ quá trình tạo ra bản nhạc này là một điều mới mẻ và kỳ diệu, khi tôi có thể khám phá những lĩnh vực mới”.
Trước đó, Truyền thuyết về Quán Tiên cũng chi hơn 1,2 tỷ đồng cho nhạc phim, với phần thể hiện của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời, do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng viết.
“Hơn cả một bộ phim, Truyền thuyết về Quán Tiên là một bản giao hưởng cảm xúc dành tặng khán giả. Và bản giao hưởng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều được thể hiện trong phần âm nhạc với 166 trang tổng phổ và 1.500 trang phân phổ của bộ phim này”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ hào hứng chia sẻ. Anh cho biết, hơn 1,2 tỷ đồng đầu tư cho nhạc phim là hoàn toàn xứng đáng.
Chị chị em em cũng đầu tư bản nhạc của ban nhạc giao hưởng đến từ Budapest (Hungaria) và Creative Team ở Los Angeles (Mỹ).
Gái già lắm chiêu V mời nhạc sĩ Christopher Wong và dàn nhạc giao hưởng thính phòng từ Anh đến đảm nhận phần nhạc phim. Tất cả đều cộng hưởng, góp phần đẩy cảm xúc của khán giả.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, việc đầu tư cho phần âm nhạc trong phim thật sự cần thiết. Theo anh, âm nhạc chiếm 30% thành công của bộ phim, nhất là vào những cảnh cao trào, xúc động hoặc gay cấn nhất. Anh cũng đưa ra nhận xét, phim Việt hay tiết kiệm phần âm nhạc, vì các nhà sản xuất thường cho rằng, phim ăn khách chỉ cần nhờ diễn viên hot và kịch bản tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự thay đổi này ngày càng đậm nét và là điều đáng mừng.