Hiện tượng và sức hút
Có chàng trai viết lên cây đạt 23 triệu lượt xem sau 4 tuần rồi thêm 14 triệu lượt xem sau 2 tuần tiếp theo. Tôi chỉ muốn nói đạt 2,9 triệu lượt xem sau 1 tuần và sau 3 ngày lên sóng, Hà Lan đã có hơn 3,8 triệu lượt xem...
Những con số thống kê về các ca khúc nhạc phim của Mắt biếc, chỉ tính riêng trên kênh YouTube chính thức đã nói lên tất cả. Đó là còn chưa kể đến rất nhiều bản cover cũng như lượt nghe, xem trên các mạng xã hội. Một điều khá thú vị, ca khúc chủ đề Có chàng trai viết lên cây vốn được sáng tác cách đây hơn 2 năm. Dù không phải lần đầu tiên các phim điện ảnh Việt sử dụng những ca khúc cũ làm nhạc phim nhưng hiện tượng “ngược dòng” này là điểm nhấn đặc biệt.
Lần đầu tiên nghe ca khúc này, đạo diễn Victor Vũ đã giật mình vì giai điệu và ca từ ấy dường như dành riêng cho Mắt biếc. Lập tức anh đã thuyết phục nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh viết luôn toàn bộ các ca khúc cho phim. Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh chia sẻ, anh đã mất gần một năm để sáng tác và hoàn thiện 3 ca khúc mới cho phim. Trước đó, cả hai cũng từng hợp tác rất thành công trong Người bất tử.
Có thể nói, năm 2019 tiếp tục là một năm thăng hoa của các ca khúc nhạc phim với những: Ngày chưa giông bão (phim Người bất tử); Rực rỡ tháng năm, Niệm khúc cuối (Tháng năm rực rỡ); Tâm sự tuổi 30 (Ông ngoại tuổi 30); Cứ yêu đi (100 ngày bên em); Điều tuyệt nhất (Hồn papa da con gái)…
Ngay từ tác phẩm mở màn Chị trợ lý của anh đã dự báo một năm “bội thu” của nhạc phim Việt. 3 ca khúc trong phim gồm: Khi ta yêu, Đời là một giấc mơ và đặc biệt ca khúc chủ đề Nơi mình dừng chân (hiện thu hút hơn 56 triệu lượt xem trên YouTube) liên tục gây sốt. Mỹ Tâm đã phát hành tổng cộng 10.000 đĩa CD nhạc phim tặng kèm khán giả và người hâm mộ đến rạp. Việc kết hợp với những nhạc sĩ đình đám: Khắc Hưng, Phan Mạnh Quỳnh, Binz hay ca sĩ Hà Anh Tuấn đã mang đến thành công như mong đợi.
Dẫu có những trồi sụt về mặt chất lượng nhưng không thể phủ nhận nhạc phim là điểm sáng chung của hầu hết các bộ phim điện ảnh Việt trong năm qua. Danh sách các ca khúc ăn khách nối dài với những Gánh mẹ (Lật mặt: Nhà có khách); Bài ca tôm cá, Giấc mơ của con (Anh thầy ngôi sao); Mình chia tay đi, Màu nước mắt (Cua lại vợ bầu); Ở nơi nào đó (Ước hẹn mùa thu); Rồi mình sẽ gặp nhau (Anh trai yêu quái)… Ra mắt cùng thời điểm với Mắt biếc, bộ phim Chị chị em em cũng sở hữu những ca khúc nhạc phim ấn tượng. Trong đó, ca khúc SHH! Chỉ ta biết thôi sau 2 tuần đăng trên YouTube cũng thu hút hơn 8,9 triệu lượt xem.
Giải mã
Sự thành công nổi trội của mảng nhạc phim có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, sự thay đổi tích cực nhất chính là việc bản thân các ê kíp đã rất ý thức đầu tư chuyên nghiệp, bài bản cho khâu này.
Mắt biếc và Chị chị em em là 2 phim điện ảnh Việt đầu tiên thuê hẳn dàn nhạc giao hưởng Bulgaria thực hiện phần nhạc nền cho phim. Xu hướng sử dụng dàn nhạc giao hưởng trong phim điện ảnh đang ngày càng phổ biến ở hầu hết các dự án phim tại Hollywood bởi nó mang đến những hiệu quả đặc biệt về thính giác, chất xúc tác cho khán giả. Tuy nhiên, tại Việt Nam điều này vẫn còn khá mới mẻ, mà nguyên nhân chính là do kinh phí.
Theo đạo diễn Victor Vũ, việc sử dụng dàn nhạc giao hưởng làm nhạc phim là quyết định tốn kém nhưng nó góp đến 50% trong việc đẩy cảm xúc khán giả. “Đó là quyết định sáng suốt và cần thiết”, đạo diễn Victor Vũ khẳng định. Trong khi đó, theo nhà soạn nhạc Chris Wong, để diễn tả muôn ngàn cung bậc nhớ và ngập tràn lãng mạn trong Mắt biếc, việc thu âm trực tiếp phần nhạc nền với dàn nhạc giao hưởng sẽ giúp cảm xúc của người xem được đẩy lên cao nhất.
Tương tự, nhà soạn nhạc người Pháp Jerome Leroy cùng đội ngũ sáng tạo của ông được mời xem Chị chị em em và sáng tác riêng tất cả các đoạn nhạc. Phân cảnh cuối phim được xem là kịch tính, ấn tượng nhất trong đó có sự góp sức của phần âm nhạc do dàn nhạc giao hưởng đến từ Budapest và nhóm sáng tạo ở Los Angeles đảm nhận.
Tại Việt Nam, hiện nay cả phần nhạc nền và ca khúc trong phim hầu hết đều được các ê kíp tin tưởng giao cho những cộng sự thân quen. Nhạc sĩ Đức Trí, Dương Khắc Linh, Cao Trung Hiếu… được xem là những người khá mát tay khi đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho các dự án.
Theo nhạc sĩ Đức Trí, mỗi dự án phim đều có câu chuyện riêng. Có những bộ phim âm nhạc chỉ mang tính tô đậm thêm cảm xúc của phim, như có lúc bộ phim nhường chỗ cho âm nhạc vang lên và hình ảnh khi đó chỉ giống như là minh họa. Nhạc phim giờ không còn được xem là yếu tố phụ. Trái lại, nó trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu. Từ đó, nhạc phim cũng tự xác lập đời sống riêng và ghi dấu ấn trong lòng khán giả .