Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân tại một số nước châu Á buộc phải chấp nhận việc không thể đoàn tụ với gia đình như mọi năm. Việc hạn chế đi lại, không tụ tập phần nào làm giảm đi sự vui vẻ, ấm áp trong những gia đình có người cao tuổi.
Tại Hàn Quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ về việc người dân không nên về quê trong kỳ nghỉ Chuseok (Tết Trung thu) nhằm đảm bảo an toàn cho chính bố mẹ và người thân, đặc biệt là người cao tuổi, nhiều người đã không về quê thăm gia đình. Nhiều người cao tuổi tại Hàn Quốc chọn cách gặp người thân thông qua gọi điện trực tuyến (có hình). Ở Singapore, Tết Trung thu năm nay cũng diễn ra đơn giản, các hoạt động vui chơi được thu gọn.
Hầu hết các sự kiện được tổ chức online với chủ đề nói về gia đình, nhằm nhấn mạnh vai trò trung tâm của tình thân trong việc đưa Singapore vượt qua cuộc khủng hoảng. Tại đặc khu hành chính Hồng Công, giới chức trách cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế đi lại. Những bữa tiệc họp mặt gia đình, tập trung đông đảo người thân đã không còn, không khí trầm lắng bao trùm. Điều này khiến người cao tuổi ở Hồng Công không khỏi chạnh lòng, mặc dù họ vẫn có thể trò chuyện với người thân thông qua các ứng dụng trực tuyến.
Câu chuyện của mùa Trung thu tại các nước châu Á cho thấy, việc phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh đã khiến một bộ phận lớn người cao tuổi cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt. Vì thế, việc khuyến khích, động viên và có chính sách hỗ trợ người cao tuổi lần lượt được triển khai tại một số quốc gia, mục đích chính là để người cao tuổi luôn sống vui, sống khỏe.
Nhân sự kiện Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Tổ chức Y tế thế giới đã phát đi thông điệp khuyến khích mọi người kết nối với người cao tuổi thông qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội để họ cảm thấy an toàn hơn. Nhấn mạnh về những khó khăn mà người cao tuổi phải đối mặt trong đại dịch, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) António Guterres cho rằng, Covid-19 đang gây ra sự sợ hãi cho người cao tuổi trên khắp thế giới. Ngoài tác động đến sức khỏe, đại dịch còn khiến người cao tuổi có nguy cơ đói nghèo, phân biệt đối xử và cô lập cao hơn. Đại dịch có thể còn tác động đặc biệt nghiêm trọng đến người cao tuổi ở các nước đang phát triển.
Thống kê của LHQ cho thấy, tính đến cuối năm 2019, tổng số người cao tuổi (65 tuổi trở lên) trên thế giới là 703 triệu người. Trong đó, khu vực Đông Á và Đông Nam Á có số người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, lên tới 261 triệu người. Theo sau là khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, hơn 200 triệu người. Theo dự đoán của LHQ, trong 30 năm tới, số người cao tuổi sẽ lên đến 1,5 tỷ người trên thế giới.
Đông Á và Đông Nam Á vẫn là khu vực đứng đầu danh sách với 573 triệu người trong năm 2050. Tuổi thọ trung bình toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng từ 72,6 lên 77,1 tuổi vào năm 2050. Do tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm xuống, dân số thế giới đang ngày càng già hóa. Điều này được cho là gây bất lợi cho kinh tế toàn cầu bởi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ít hơn, còn lượng người cao tuổi nhiều hơn đẩy chi phí chăm sóc y tế lên cao.