Nâng đỡ hoàn cảnh khốn khó
“Cô Thâm khỏe không. Nay bán hàng có đắt khách không cô?”, giữa phiên chợ đông đúc, nghe tiếng hỏi thăm mình, bà Thâm vui mừng nhận ra các cán bộ làm việc tại quận 8. Hơn 12 năm qua, tháng nào cũng vậy, các đảng viên của 4 chi bộ: Văn phòng Quận ủy, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy, Ban Tổ chức Quận ủy và Ban Dân vận Quận ủy quận 8 thay phiên nhau đến thăm, động viên và trao tiền hỗ trợ gia đình bà Cổ Thị Thâm (phường 1, quận 8). Nhà bà Thâm có 5 người thì 4 người bị bệnh tâm thần, lúc tỉnh, lúc mê. Nay đã 68 tuổi, bản thân bị nhiều chứng bệnh hành hạ, nhưng bà Thâm vẫn là lao động chính trong gia đình. Biết hoàn cảnh của bà Thâm, các đảng viên của 4 chi bộ trên đã cùng đóng góp, hỗ trợ bà mỗi tháng 1,2 triệu đồng, 10 kg gạo và những vật dụng thiết yếu.
Bà Thâm là một trong 27 trường hợp hộ nghèo bị bệnh nan y trên địa bàn quận 8 được chăm lo trong chương trình “Hỗ trợ các trường hợp hộ nghèo, khó khăn đặc biệt bị bệnh nan y”. Công trình do Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 8 tuyên truyền, vận động đảng viên tham gia đóng góp hàng tháng 18,7 triệu đồng. Được triển khai từ năm 2008, đến nay có 61 cơ quan, đơn vị tham gia hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Theo đồng chí Phạm Ngọc Muôn, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 8, chương trình đã tạo được sự lan tỏa và khơi gợi tinh thần tương thân, tương ái, thương yêu chia sẻ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các doanh nghiệp trên địa bàn quận.
Là người tham gia từ những ngày đầu chương trình đi khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh người dân cũng như tuyên truyền, vận động đảng viên tham gia, đồng chí Trần Thị Thu Trang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận 8, nhớ rõ hoàn cảnh từng trường hợp, để từ đó có hướng hỗ trợ phù hợp nhất. Theo đồng chí Thu Trang, để chương trình đi vào thực chất và kéo dài được trong nhiều năm, công tác tuyên truyền là rất quan trọng. “Hơn 10 năm qua, từ sự hỗ trợ này, nhiều người dân đã ổn định cuộc sống. Niềm vui của chúng tôi là nhiều hộ sau khi được hỗ trợ chi phí chữa bệnh, giới thiệu học nghề, tạo việc làm cho các thành viên... đã thoát nghèo và xin ngưng nhận trợ cấp”, đồng chí Thu Trang bày tỏ.
“Chạm” đến nhiều người dân bình dị
Năm 2016, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các địa phương đồng loạt đưa ra những cách làm hay, hiệu quả để giới thiệu các cá nhân, tập thể điển hình theo gương Bác. Làm thế nào để lan tỏa những câu chuyện đẹp về tấm lòng nhân ái và để hạt mầm của việc tốt được gieo đi khắp nơi?
Nhớ lại, đồng chí Trần Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 9, cho biết, khi tuyên truyền về Chỉ thị 05, các cán bộ tuyên giáo nhận được nhiều thông tin về những tập thể, cá nhân làm việc tốt và tận tụy, sáng tạo phục vụ người dân, nhưng không rõ cụ thể những việc làm ấy. Vì thế Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 9 quyết định tổ chức hội thi quay video clip giới thiệu “Gương sáng quanh tôi” để phát hiện, giới thiệu những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Với mong muốn đưa hoạt động tuyên truyền ngày càng đi vào thực chất và với phương châm hội thi phải “chạm” được đến nhiều người dân bình dị. Năm 2018, đơn vị đưa cuộc thi lên Fanpage “Vùng bưng 6 xã”.
Mỗi mùa thi qua đi, Quận ủy quận 9 lại cải tiến, sáng tạo hơn để những tấm gương điển hình học Bác lan tỏa nhiều hơn nữa. Đặc biệt, năm 2019, quận ra mắt kỷ yếu điện tử với chuyên trang “Quận 9 học tập và làm theo Bác” (trên Cổng thông tin điện tử quận). Qua đó đã nhận được hàng chục bài viết giới thiệu gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, chuyên trang “Quận 9 học tập và làm theo Bác” thu hút hơn 10.000 lượt xem, trong đó kỷ yếu điện tử đã đăng tải hơn 40 tin, bài, thu hút gần 6.500 lượt xem.
“Mỗi ngày, mỗi giờ, mạng xã hội đều xuất hiện những thông tin tiêu cực, trong khi thông tin tích cực quanh ta không thiếu. Do đó, việc lan tỏa những tấm gương học Bác là góp phần đẩy lùi những thông tin xấu, phản bác những quan điểm sai trái. Vì vậy mỗi năm chúng tôi đều xây dựng những mô hình tuyên truyền khác nhau, vừa tạo sân chơi vừa là cách để mọi người tiếp cận tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác dưới nhiều hình thức”, đồng chí Trần Thị Ngọc Lan thông tin.
Ban Tuyên giáo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng là một trong những đơn vị có nhiều chương trình đưa công tác tuyên giáo trở thành hành động thiết thực, chăm lo đời sống người dân và người lao động. Khi dịch Covid-19 xảy ra, cả nước tập trung phòng chống dịch, Ban Tuyên giáo Sawaco tham mưu và tuyên truyền phòng chống dịch bằng nhiều hình thức. Đơn vị cũng kêu gọi, chung sức chăm lo các hoạt động an sinh xã hội, như lắp đặt và trao tặng bồn nước sạch rửa tay với các van mở nước bằng chân đạp của tuổi trẻ Sawaco. Qua đó, tuổi trẻ Sawaco lắp đặt 15 bồn nước sạch rửa tay, trao tặng các trường tiểu học tại nhiều quận huyện ở TPHCM. Ngoài ra, Sawaco kết nối người lao động tham gia hiến máu nhân đạo; tặng hơn 42.000 khẩu trang vải kháng khuẩn cho người lao động; hơn 100.000 trứng gà, vịt cho người lao động; vận động người lao động đóng góp nửa ngày lương, ủng hộ hơn 400 triệu đồng để Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chống dịch. |