Nhà trường nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng bữa ăn cho từng nhóm học sinh, chứ không phải theo cách thức đại trà của từng khối lớp, cũng không phải theo điều kiện đóng góp của phụ huynh. Nên lập thành từng nhóm học sinh có những đặc điểm chung về thể trạng (chiều cao, cân nặng, giới tính…) và những nhóm “đặc biệt” (béo phì hoặc thấp còi, có bệnh mạn tính riêng…) chứ không nhất thiết theo khối lớp.
Như vậy, một học sinh lớp 1 nhưng có chiều cao và cân nặng ngang với một học sinh lớp 3 thì nên xếp ăn chung với các học sinh này để có chế độ dinh dưỡng riêng; các học sinh thấp còi sẽ có chế độ ăn khác với học sinh béo phì. Việc tổ chức ăn cho học sinh trong nhà trường cũng luôn chú trọng đến thói quen ăn uống lành mạnh, bảo đảm vệ sinh, nhất là thực hiện tốt tháp dinh dưỡng.
Nhà trường cũng nên quan tâm đến vấn đề “kỷ luật dinh dưỡng” đối với học sinh. Theo đó, một mặt tôn trọng sở thích của các em, nhưng cũng cần nghiêm khắc với các thói quen không tốt, như chỉ ăn món mình thích, uống quá ít nước, chỉ thích uống nước ngọt, ăn ít rau quả, ăn quá nhanh và không nhai kỹ, vừa ăn xong đã chạy nhảy… và những thói quen có hại khác.