Chưa đạt mục tiêu đề ra
Sáng 26-11, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sư phạm giai đoạn 2011-2020.
Theo PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, công tác đảm bảo chất lượng được xem là vấn đề sống còn của các cơ sở giáo dục - đào tạo để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế. Chúng ta có đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý cho công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng. Song, kết quả thực hiện vẫn chưa được như mong đợi.
Tính đến ngày 31-10, cả nước có 259 cơ sở giáo dục (CSGD) hoàn thành báo cáo tự đánh giá chất lượng. 159 CSGD ĐH và 9 trường CĐ sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng đánh giá và có 147 CSGD ĐH và 9 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt chuẩn chất lượng. Về chương trình đào tạo, có 132 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định trong nước.
Về kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài, cả nước có 7 trường ĐH được các tổ chức kiểm định quốc tế đánh giá và công nhận. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) được cả 2 tổ chức HCERRES (Pháp) và AUN-QA (tổ chức kiểm định của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á) công nhận đạt tiêu chuẩn. Cùng với kiểm định chất lượng, những năm gần đây, các CSGD ĐH của Việt Nam liên tục có tên trong các bảng xếp hạng của quốc tế như ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Duy Tân.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, các mục tiêu của công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng không đạt so với kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020 có 95% CSGD và chương trình đào tạo được đánh giá, xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 6% tổng số chương trình được kiểm định; cơ sở đào tạo được kiểm định và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước chỉ có 156 trường.
Phải đổi mới, giám sát kiểm định chất lượng
TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Thứ nhất là hồ sơ minh chứng hiện làm thủ công và cả một đống hồ sơ đồ sộ, tốn rất nhiều thời gian, quá phức tạp. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc số hóa bằng cơ sở dữ liệu, tích hợp để dễ dàng hơn. Thứ hai, hiện chúng ta kiểm định theo tiêu chí của chương trình cũ nhưng chương trình đào tạo hiện nay phải thay đổi theo chuẩn chương trình đào tạo mà bộ xây dựng ban hành. Thứ ba là các văn bản, quy định về công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng liên tục cập nhật và đổi mới cho phù hợp. Bởi thực tế, công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng phải liên tục cập nhật và cải tiến cho phù hợp với thực tế.
Chẳng hạn như tiêu chí cốt lõi không đạt, nhiều tiêu chí không cốt lõi lại đạt. Do đó, Bộ GD-ĐT phải có giải pháp để giám sát chứ không thể để tình trạng này kéo dài. Việc đạt chuẩn kiểm định không phải là vật trang trí mà nó phải có giá trị, tác động đến cải tiến chất lượng thật sự”.
Đại diện Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng cho biết: Trong các tiêu chí của kiểm định niện nay có nhiều tiêu chí cần phải xem xét lại. Ví dụ như tiêu chí sinh viên tốt nghiệp phải có khả năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp có lẽ quá cao vì bản thân giảng viên cũng chưa thể đạt; tiêu chí kiểm tra cuối kỳ chiếm 50% số điểm cũng nên bỏ cho phù hợp với đào tạo tín chỉ, tăng cường thực hành, thực tập như hiện nay.
PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ sẽ tiếp thu các kiến nghị để nghiên cứu, xây dựng các thông tư, văn bản sắp tới. Bộ sẽ tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng; xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo chất lượng. Trong đó có việc “kiểm định của kiểm định” là giám sát kết quả kiểm định.