Có nên thỏa hiệp?
“Suy cho cùng, sàn diễn có tồn tại hay không, nghệ sĩ có động lực để làm nghề hay không chính là do khán giả quyết định”, đạo diễn, NSƯT Lê Trung Thảo bày tỏ quan điểm. Bài toán khán giả là thách thức ở mọi lĩnh vực nghệ thuật và đang chờ câu trả lời thỏa đáng.
Trong lĩnh vực sân khấu, từ nhiều năm qua, trước vô vàn áp lực, nhiều sàn kịch nói buộc phải níu chân khán giả bằng cách dựng vở theo thị hiếu đám đông, vì vậy tính chất nghệ thuật có phần bị buông lơi. Mặt khác, ngày càng thiếu những tác giả tài năng, có thể sáng tác đa dạng. Những tồn tại từ nhiều năm qua ảnh hưởng rất nhiều đến lực lượng khán giả. Khán giả cũ giảm dần, khán giả mới hình thành chậm và ít. Nhiều khán giả đến xem vì nghệ sĩ là chính chứ không vì tác phẩm.
Ở lĩnh vực điện ảnh thì nhu cầu và thị hiếu thưởng thức của khán giả ngày càng tăng, thậm chí rõ nét nhất trong số các loại hình nghệ thuật hiện nay. Theo đạo diễn Marcus Vũ Mạnh Cường, khán giả điện ảnh đã thay đổi về chất và lượng. Anh phân tích: “Thông qua quá trình tiếp xúc với nhiều phim nước ngoài, khán giả đòi hỏi các nhà làm phim phải sản xuất ra các bộ phim hay. Các nhà làm phim chạy theo xu hướng, từng “ngã ngựa” hiểu rất rõ điều này”. Tiếp xúc với điện ảnh nước ngoài, khán giả, nhất là người trẻ, còn có nhiều cơ hội tham gia các khóa học, các buổi giao lưu, tọa đàm và thâm nhập vào quá trình làm phim. “Sự phát triển của điện ảnh Việt những năm gần đây kéo theo nhu cầu quan tâm đến điện ảnh dưới góc nhìn sâu rộng và chuyên nghiệp hơn”, chị Phương Anh, đại diện Xine House, chia sẻ.
Thực tế, những người làm nghề luôn trăn trở trước câu hỏi khán giả cần gì, thích gì ở nghệ sĩ và các tác phẩm nghệ thuật. Họ loay hoay, đau đáu tìm một công thức thành công. Điều này dẫn đến nhiều trào lưu mang tính thời điểm, trong đó có cả sự thể nghiệm. Nhưng, cũng có một thực tế đáng buồn, mải mê chạy theo thị hiếu khán giả dẫn đến sự “thỏa hiệp”.
NSND Trần Minh Ngọc đặt vấn đề: “Vì tình hình cạnh tranh giữa các đơn vị làm nghệ thuật, kịch bản thiếu, chạy theo thị hiếu của khán giả, dần dần sân khấu đi xuống, biến nghệ thuật thành nghệ thuật đơn thuần giải trí, đơn thuần kinh doanh. Nhìn về lâu dài, nếu cứ đi vào những trò ma mị, đời sống tầm thường, chúng ta vô tình hạ thấp nghệ thuật”. Ở khía cạnh tính cực, “chiều” theo thị hiếu khán giả sẽ đáp ứng nhu cầu trước mắt của họ. Nhưng về lâu dài, nó cũng cho thấy sự bế tắc của chính người làm nghề bởi khán giả luôn thay đổi mỗi ngày, nếu mải miết chạy theo họ sẽ sớm hụt hơi.
Đảm bảo nghệ thuật đúng nghĩa
Buổi mở màn sự kiện “Như trăng trong đêm” (gồm trình chiếu, thảo luận các phim ngắn) không một chỗ trống, trong đó đa phần là người trẻ. Thùy Anh (sinh viên Đại học KHXH-NV TPHCM) háo hức: “Đây là lần đầu em được tham gia một buổi giao lưu, nơi mình có thể đặt câu hỏi, lắng nghe các đạo diễn chia sẻ về quá trình làm phim của họ. Có rất nhiều thứ khi xem phim chưa hiểu hết ý tứ nhưng nhờ phần thảo luận, mình đã hiểu để cảm được bộ phim nhiều hơn”. Ở lĩnh vực điện ảnh, những sự kiện tương tự được tổ chức ngày một nhiều hơn.
Không thể không nhắc đến dự án “Yume Art Project” với rất nhiều khóa học, buổi giao lưu nhằm chia sẻ kiến thức nghệ thuật của các loại hình khác nhau: điện ảnh, âm nhạc, văn chương, hội họa… của TS Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình sân khấu - điện ảnh (Đại học KHXH-NV TPHCM). “Thưởng thức cải lương” hay “Tiếp bước trăm năm” là những chương trình nổi bật của dự án này. Các sân khấu kịch TPHCM cũng có chương trình “Đưa sân khấu vào học đường”. Những workshop (buổi giao lưu) nghệ thuật diễn ra liên tục mang đến nhiều kiến thức, trải nghiệm cho khán giả.
Đặt ra vấn đề đào tạo khán giả hay giáo dục về thẩm mỹ, NSƯT Kim Tử Long cho rằng: “Cải lương đưa vào học đường phải được đầu tư, chăm chút tỉ mỉ. Làm sao để chương trình vừa mang tính giáo dục vừa tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn khán giả trẻ, góp phần xây dựng lớp khán giả kế thừa. Chúng ta cũng không đào tạo một lớp khán giả đến rạp chỉ để xem thần tượng, mà họ đến rạp để thưởng thức cải lương, thích nghe ca, xem diễn”.
Trong khi đó, đạo diễn Mạnh Cường cho rằng, không nên dùng cụm từ “đào tạo khán giả”. Anh phân tích: “Không nên suy nghĩ đào tạo khán giả mới có phim hay, bởi chính điều đó làm điện ảnh đi chậm lại. Điện ảnh với lợi thế được thừa hưởng rất nhiều ưu điểm từ các ngành nghệ thuật khác nhau, không nhất thiết phải có trình độ văn hóa, cảm thụ vẫn có thể chạm vào khán giả mọi tầng lớp. Tôi tin họ đủ trải nghiệm, khả năng để cảm thụ một bộ phim. Hãy để khán giả “giáo dục” nhà làm phim thì hay hơn”.
Ở thời điểm hiện nay mỗi tác phẩm nghệ thuật, muốn “vị nhân sinh”, trước hết phải đảm bảo là tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Bản chất của nghệ thuật không phải là những gì thuộc về hàn lâm, cao siêu, xa rời thực tế. Càng không thể tự gắn cho mình cái mác “kén khán giả” khiến họ không hiểu, không xem, không nghe và rồi trách họ quay lưng, thờ ơ. Chính những người làm nghề trước khi nghĩ đến việc “đào tạo”, cần xét lại chính mình và các tác phẩm nghệ thuật.
NSƯT Lê Trung Thảo trăn trở: “Vấn đề lớn ở sân khấu cải lương hiện nay phải chú trọng chính là giải quyết câu hỏi “khán giả đang cần gì ở cải lương?”. Nhìn rộng ra, điều đó không chỉ đúng với cải lương mà còn đúng với nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Theo NSƯT Thanh Điền: “Lâu nay, sân khấu cải lương chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả bỏ tiền mua vé đến rạp xem. Nhiều chương trình được tổ chức biểu diễn, khán giả đi coi vui vậy thôi chứ không thấy được sự phát triển tươi mới của cải lương. Từ đó cho thấy nhiệm vụ của những người làm sân khấu chưa tròn”. |