Đại học hạ chuẩn để cạnh tranh với… dạy nghề
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, khẳng định hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở thành phố đã đi vào nề nếp và ổn định hơn. Các cơ sở có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, như xây dựng chuẩn đầu ra thích hợp với từng ngành học, hiệu chỉnh lại chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội. Nhiều cơ sở đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đa dạng hóa loại hình đào tạo, phối hợp đào tạo liên thông, giúp người học có điều kiện học tập ở trình độ cao hơn.
“Tuy nhiên, tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp”, ông Nguyễn Văn Lâm nhận xét. Do đó, phụ huynh vẫn hướng con em vào đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông. Cùng đó, các trường đại học có nhiều thay đổi trong tuyển sinh, điểm chuẩn đầu vào thấp, làm tăng sự cạnh tranh giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Song, cũng phải nhìn nhận, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn trong tình trạng cơ sở vật chất lạc hậu, chưa tạo được uy tín đào tạo với đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn e ngại tuyển dụng lao động từ các cơ sở dạy nghề.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, để phân luồng tốt, bên cạnh việc tuyên truyền thay đổi nhận thức thì cần có các chính sách ưu tiên để thu hút học sinh học nghề. Cùng đó, việc quy hoạch mạng lưới dạy nghề phải được thực hiện phù hợp, theo hướng tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động tốt phát triển và giải thể, sáp nhập các cơ sở hoạt động yếu kém.
Nói về phương hướng thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định, thành phố sẽ có phương án bố trí mạng lưới dạy nghề phù hợp, sắp xếp khoa học trên các lĩnh vực. TPHCM cũng tổ chức đào tạo gắn với đầu ra, sau khi đào tạo xong phải có việc làm.
Dự báo chính xác để đào tạo đúng và đủ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng cho biết, theo dự báo của Liên hiệp quốc, trong vòng 10 - 20 năm nữa, khoảng 75% việc làm hiện nay sẽ biến mất hoặc có sự biến đổi thành nghề mới. Những nghề mới này sẽ gắn chặt với công nghệ thông tin. Vì vậy, TPHCM cần có các chính sách mở ra ngành nghề mới gắn với công nghệ thông tin. Ông Triệu Thế Hùng cũng đề nghị UBND TPHCM cần chủ động dự báo nguồn nhân lực, dự báo chi tiết từng ngành nghề để các trường đào tạo đúng và đủ, tránh việc đào tạo lãng phí, cũng như thiếu nguồn nhân lực khi thành phố cần. “UBND TPHCM cũng cần có quyết sách mạnh hơn về phân luồng cho học sinh theo học nghề phù hợp”, ông Triệu Thế Hùng gợi ý.
Cùng đó, UBND TPHCM cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thu hút người học; xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn nghề nghiệp của các trường trong khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện cho nguồn nhân lực sau đào tạo cạnh tranh được với lao động tự do dịch chuyển trong khối, cũng như xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, TPHCM phải có cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm gắn kết cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, từ đó xác định được mục tiêu, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. “TPHCM cũng cần có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp tham gia nhiệt tình hơn vào giáo dục nghề nghiệp”, ông Triệu Thế Hùng gợi ý và đề nghị UBND TPHCM có những chính sách đầu tư theo hướng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu về khoa học công nghệ, nhằm tạo sự công bằng giữa các cơ sở dạy nghề công và tư.
Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM: Tập trung đào tạo những ngành mũi nhọn Thời gian qua, HĐND TPHCM có tổ chức giám sát về hoạt động dạy nghề trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, UBND TPHCM đã đặt hàng các trường xây dựng những ngành mũi nhọn, với các ngành được tập trung là công nghệ thông tin, cơ khí, cơ điện tử và logistics, nhằm đào tạo các công nhân nghề có chất lượng cao. Các trường, các cơ sở dạy nghề đã có sự tập trung, đẩy nhanh tiến độ dạy các nghề này. HĐND TPHCM cũng phân bổ kinh phí trong đầu tư công, tạo điều kiện cho các trường thay đổi trang thiết bị, công cụ giảng dạy ứng với các ngành nghề đã nêu. Ngoài ra, nhiều trường nghề ở TPHCM cũng quan tâm đào tạo kép, liên kết với doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nên sinh viên của các trường này tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Điều này đã tạo được sự hấp dẫn, thu hút người học. Tuy nhiên, việc phân luồng học nghề hiện chưa đạt yêu cầu, nên cần tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh, người học. |
Ông LÂM HÙNG TẤN, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM: Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gặp vướng Thời gian qua, TPHCM rất quan tâm đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong chương trình đột phá của TPHCM đưa ra 2 chỉ tiêu phấn đấu đạt được vào năm 2020: Thứ nhất, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số lao động, với chất lượng đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Thứ hai, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TPHCM đạt từ 85% - 90%. Hiện nay, TPHCM đã đạt hơn 81% ở chỉ tiêu đầu và chỉ tiêu thứ 2 đạt gần 82%. Dự báo đến năm 2020, TPHCM sẽ đạt được 2 chỉ tiêu đã nêu. Tuy nhiên, TPHCM đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng thì Trung ương quy định chỉ hỗ trợ kinh phí học đại học đối với công chức cấp xã vùng sâu, vùng xa. Quy định của Bộ Tài chính cũng chỉ cho phép chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức. Riêng với viên chức và những đối tượng khác thì lấy từ nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị sự nghiệp hoặc từ nguồn xã hội hóa, chương trình học bổng. Do đó, chúng tôi đề xuất đoàn giám sát báo cáo Quốc hội, có giải pháp tháo gỡ, để TPHCM có kinh phí thực hiện chương trình đào tạo nghề nói riêng và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung. |