Tại các hội nghị, hội thảo do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, nhiều ý kiến đánh giá, trong nhiều nhiệm kỳ qua, công tác luân chuyển cán bộ còn những hạn chế cần phải khắc phục. Đó là, sau luân chuyển, thường cán bộ được bố trí ở vị trí cao hơn, khiến không ít cán bộ luân chuyển nảy sinh tâm lý dĩ hòa vi quý, ngại va chạm, không dám đưa ra những quyết sách lớn để thay đổi, phát triển địa phương, tổ chức nơi mình đến công tác, mà cốt hoàn thành thời gian luân chuyển để được bổ nhiệm vào vị trí mới. Cán bộ luân chuyển thường chỉ giữ vị trí cấp phó, ít người được bố trí làm cấp trưởng, vì thế, họ không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng nên khó bộc lộ hết khả năng lãnh đạo. Một số trường hợp, cán bộ luân chuyển chưa được địa phương tạo điều kiện đúng mức để làm việc đạt hiệu quả cao. Việc luân chuyển mới chú trọng đưa cán bộ từ Trung ương về địa phương mà chưa chú trọng luân chuyển ngang cấp hoặc từ địa phương lên Trung ương. Cũng có những trường hợp cán bộ từ Trung ương luân chuyển về địa phương quá thời gian quy định, thậm chí hơn cả 1 nhiệm kỳ, nhưng “không thể quay lại”, vì không có vị trí tương đương để bổ nhiệm; nên ở lại địa phương tiếp tục công tác với một tâm lý “không vừa lòng”.
Một điểm mới trong Quy định số 65 là không luân chuyển cán bộ một cách ồ ạt. Cán bộ luân chuyển là có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, đi thực làm thực; chứ không phải đi “tráng men” cho xong nghĩa vụ. Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm là chưa đủ, quan trọng nữa là phải nâng cao chất lượng công tác luân chuyển; thường xuyên giám sát cán bộ luân chuyển, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ; dứt khoát phải nâng cao nhận thức của cán bộ luân chuyển. Cán bộ luân chuyển không nên nghĩ rằng cứ đi luân chuyển khi về sẽ giữ vị trí cao hơn.
Luân chuyển là công việc bình thường và thường xuyên trong công tác cán bộ và là một trong nhiều phương pháp đào tạo cán bộ của Đảng. Cán bộ sau khi đi luân chuyển có được bố trí vào vị trí cao hơn hay không một mặt phụ thuộc năng lực của cán bộ thể hiện khi đi luân chuyển, mặt khác còn phải xuất phát từ yêu cầu của công việc. Quan trọng nhất là công tác này phải thực sự bài bản, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Để mỗi cán bộ khi tham gia luân chuyển nhìn nhận rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cũng như có động lực để phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.