Mỹ, Trung Quốc, Campuchia và châu Âu được ghi nhận là có lượng nông, thủy hải sản xuất khẩu tăng mạnh vào nước ta trong thời gian qua. Về việc nông, thủy hải sản ngoại đang có nhiều lợi thế, trước tiên là do tâm lý người Việt ưa chuộng sử dụng hàng ngoại. Kế đến là mức thu nhập của người Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, đủ để có thể ưu tiên tiêu dùng sản phẩm ngoại nhập, thường được quản lý chất lượng tốt. Với sự gia tăng mạnh mẽ hàng nhập khẩu như hiện nay, giá thành sản phẩm nhập khẩu dự báo sẽ còn giảm…
Thực tế trên đã đặt hàng nông, thủy hải sản Việt phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại ngay trên “sân nhà”. Thị trường trong nước lâu nay vẫn là nơi “trú ẩn” khá ổn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân có quy mô sản xuất không lớn.
Để có thể giảm sức ép cạnh tranh, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển đổi canh tác theo hướng nâng cao chất lượng hàng nông, thủy hải sản đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic.
Có thể nói, đây là con đường sống còn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế như hiện nay. Việc chú trọng vào công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ khâu nuôi, trồng đến khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ giúp hàng nông, thủy hải sản Việt Nam duy trì vững chắc niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt. Thị trường trong nước với khoảng 100 triệu dân là thị trường không nhỏ. Chưa kể, chắc chân ở thị trường trong nước còn giúp doanh nghiệp phát triển, mở rộng vững chắc thị phần xuất khẩu.
Ở góc độ cao hơn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cần tập trung đầu tư cho thương hiệu hàng Việt nói chung và nông, thủy hải sản Việt nói riêng. Thương hiệu phải được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ gắn với chỉ dẫn địa lý. Bởi đây là yếu tố then chốt để khẳng định vị thế và giá trị hàng Việt ở thị trường trong nước cũng như trên trường quốc tế.