Học sinh có nhu cầu được lắng nghe
Học kỳ 2 năm học 2023-2024, Phòng tư vấn tâm lý, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tăng thời gian hoạt động từ 2 buổi/tuần lên 6 ngày/tuần (từ thứ hai đến thứ bảy) để đồng hành nhiều hơn cùng học sinh. TS Giang Thiên Vũ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, phụ trách Phòng tư vấn tâm lý, Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết, kết quả khảo sát sàng lọc sức khỏe tâm thần của học sinh toàn trường vào đầu năm học 2023-2024 cho thấy, hơn 70% học sinh có nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ.
“Tôi muốn thay đổi suy nghĩ của các em, là không phải khi gặp khó khăn về tâm lý mới đến phòng tư vấn, mà đây là nơi có thể lắng nghe, chia sẻ mọi tâm tư, tình cảm, đáp ứng nhu cầu thư giãn của học sinh”, TS Giang Thiên Vũ bày tỏ.
Để tạo không gian thoải mái cho học sinh, phòng tư vấn được trang bị thêm gấu bông, kệ sách văn học, trà bánh. Đặc biệt, từ đầu tháng 1-2024 đến nay, hộp thư “Điều em muốn nói” hoạt động hết công suất để chuyển đi những lá thư chứa đựng tâm tư, tình cảm của học sinh gửi đến một thành viên khác trong trường.
Nguyễn Thảo My, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Lương Thế Vinh, đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ Tâm lý - kỹ năng của trường, chia sẻ, học sinh thường ngại khi muốn nói xin lỗi, cảm ơn hoặc bày tỏ tình cảm với một ai đó. Do vậy, thông qua những lá thư, các bạn có thể giải tỏa tâm lý, tự tin nói ra điều muốn nói, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho bản thân, đồng thời tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong trường. Nếu ngại viết thư, các bạn có thể lấy một viên sỏi thả vào hộp cảm xúc gồm 6 ô (vui, hạnh phúc, sợ hãi, không ổn, quạu, đang buồn) để giải tỏa năng lượng tiêu cực. Đây là cách giúp học sinh nhận diện cảm xúc của bản thân, từ đó tìm sự đồng hành và chia sẻ kịp thời của phòng tư vấn tâm lý.
Thầy Tô Hoàng Anh Khôi, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), cho rằng, bạo lực ngôn từ là một trong các hành vi phổ biến trong môi trường học đường hiện nay. Để không xảy ra tình huống đau lòng, học sinh cần biết cách nhận diện và chia sẻ khó khăn đang gặp phải để được thầy cô tư vấn, hỗ trợ kỹ năng giải quyết. Trong khi đó, Nguyễn Thái Duy Bình, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức), cho biết, các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram... mang lại nhiều tiện ích cho học sinh nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ không an toàn, như dễ bị bắt nạt, chế giễu từ các hội nhóm, thậm chí bị đe dọa tính mạng khi xảy ra mâu thuẫn. Do chưa có đủ sức đề kháng chống lại ảnh hưởng tiêu cực, học sinh cần được thầy, cô đồng hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tránh tình trạng căng thẳng quá mức.
Chủ động “phòng” hơn “tránh”
Theo ThS Tiêu Minh Sơn, chuyên gia tư vấn tâm lý, hầu hết các trường hợp bạo lực leo thang đều để lại ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý và tinh thần. Do đó, để chăm lo sức khỏe tinh thần cho học sinh, trường học cần chủ động phòng ngừa, trang bị cho học sinh kỹ năng nhận diện sớm nguy cơ để có các giải pháp ngăn chặn, không để xảy ra bạo lực học đường. Trong trường hợp bạo lực đã xảy ra, Th.S Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên Bộ môn tâm lý, Khoa Khoa học giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng, điều quan trọng là học sinh phải giữ được sự bình tĩnh, chia sẻ với bạn bè, gia đình, thầy cô, thậm chí cơ quan chức năng để được hỗ trợ, tìm hướng giải quyết, tránh đáp trả khi đang nóng giận sẽ khiến bạo lực càng leo thang.
Để tạo môi trường học đường an toàn, thân thiện, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, hiệu trưởng phải là người tiên phong đổi mới, thường xuyên lắng nghe, quan tâm, chia sẻ với đội ngũ giáo viên. Khi các thầy cô được tạo điều kiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh thì mới có nguồn năng lượng tích cực, từ đó lan tỏa đến học sinh, giúp các em cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Cô Vũ Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức), nêu thực tế, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh hiện nay không chỉ do một giáo viên phụ trách mà có sự vào cuộc của cả tập thể sư phạm nhà trường, gồm ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhân viên y tế, giám thị... “Mỗi học sinh có nhu cầu tình cảm khác nhau nên ở đâu các em thấy thoải mái chia sẻ tâm tư, tình cảm thì ở đó các thầy cô trở thành chuyên viên tư vấn gỡ rối khó khăn cho học sinh, bất kể là phòng tư vấn tâm lý hay phòng y tế, phòng học bộ môn, phòng làm việc của ban giám hiệu”, cô Hồng Châu nêu ý kiến.