Nâng chất bữa ăn bán trú ở trường học

Năm học 2024-2025, suất ăn bán trú ở nhiều trường học trên địa bàn TPHCM thay đổi so với năm học trước nhằm nâng cao chất lượng phục vụ học sinh (HS). Ngoài việc điều chỉnh thực đơn, công tác quản lý cũng được siết chặt để đảm bảo an toàn, tạo sự an tâm, tin tưởng cho phụ huynh.

Đẩy mạnh công khai

Thực đơn bán trú tuần 4 (từ ngày 14 đến 18-10) của HS Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) thiết kế không trùng lặp giữa các ngày trong tuần. Cụ thể, từ thứ hai đến thứ năm, suất ăn trưa gồm cơm trắng và món mặn lần lượt là thịt bò, cá, heo, gà; riêng thứ sáu đổi vị bằng bún gạo xào thập cẩm. Ngoài món chính, HS được phục vụ thêm món xào, canh và tráng miệng thay đổi giữa các ngày. Đối với bữa xế, thực đơn đa dạng gồm bánh ngọt, sữa tươi, rau câu giúp HS không nhàm chán.

U4a.jpg
Phụ huynh Trường Tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) tham gia ăn bán trú cùng con vào đầu năm học 2024-2025

Chị Minh Nguyệt, một phụ huynh khối 4, Trường Tiểu học Hòa Bình, cho biết, năm học trước, thực đơn bán trú của trường có một số thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, chả cá. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của phụ huynh, năm học này, nhà trường đã thay đổi thực đơn bằng các món nóng, chế biến trực tiếp trong ngày giúp đảm bảo dinh dưỡng cho HS. Hàng tuần, thực đơn được công khai trên website trường, giúp phụ huynh dễ dàng theo dõi và giám sát.

Bắt đầu từ năm học này, các trường mầm non trên địa bàn quận 1 công khai định lượng các loại thực phẩm được sử dụng chế biến bữa ăn trong ngày cho trẻ. Ngoài ra, ở khu vực hành lang hoặc sảnh chờ, trường học bố trí tủ trưng bày suất ăn thực tế của HS để phụ huynh biết khẩu phần ăn trong ngày của con. Trước mỗi bữa ăn, bộ phận cấp dưỡng sẽ đưa 1 phần tương đương khẩu phần ăn 1 HS để đưa vào tủ trưng bày. Việc công khai suất ăn nhằm phục vụ yêu cầu lưu mẫu của cơ quan quản lý, đồng thời tăng cường sự giám sát và đồng hành của phụ huynh. Trưởng phòng GD-ĐT quận 1 Võ Cao Long cho hay, tới đây, các cơ sở giáo dục sẽ tăng cường truyền thông, giới thiệu các loại thực phẩm được sử dụng tại trường cho phụ huynh biết nhằm tạo sự an tâm, qua đó nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho HS.

Tại quận 3, ngoài việc công khai thực đơn bán trú theo tuần, một số trường mầm non và tiểu học còn chụp ảnh bữa ăn thực tế của HS gửi cho phụ huynh. Tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11), nhà trường duy trì việc truyền thông cho phụ huynh về tháp nhu cầu dinh dưỡng dành cho các độ tuổi HS nhằm tăng cường sự phối hợp, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nhóm thực phẩm các bữa ăn trong ngày cho HS.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trường học cần lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, cán bộ quản lý trường học phải trực tiếp giám sát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại đơn vị cung cấp. Khuyến nghị các đơn vị nâng cao chất lượng nguồn gốc thực phẩm đầu vào, không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu là đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mà cần đạt những chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP…

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Bà Kiều Mỹ Chi, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết, năm học 2024-2025, tất cả trường học trên địa bàn TP Thủ Đức được yêu cầu gửi hình ảnh thực tế HS ăn trưa về phòng GD-ĐT trước 12 giờ hàng ngày để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, trường học thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và HS về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Trong đó, công tác truyền thông kết hợp giữa nhiều hình thức như phát thanh trong trường học, cổng thông tin điện tử, đăng tải tại bảng tin của nhà trường...

Tại quận Tân Bình, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn trong trường học được thực hiện không chỉ đối với hệ thống trường công lập mà cả trường ngoài công lập. Tất cả cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch phòng chống ngộ độc thực phẩm; chủ động liên hệ trạm y tế phường hoặc trung tâm y tế quận tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình Phan Văn Quang lưu ý, trường học tuyên truyền, nhắc nhở HS không ăn hàng rong và thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh để phòng tránh bệnh đường tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm, yêu cầu học sinh ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng hợp lý.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, ngoài việc vận dụng hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng, trường học cần tổ chức thực đơn riêng cho HS suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì tại đơn vị, đồng thời kết hợp các hoạt động tăng cường thể lực cho HS. Sở GD-ĐT TPHCM sẽ duy trì hoạt động kiểm tra định kỳ và đột xuất bữa ăn bán trú nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tại các đơn vị.

Tin cùng chuyên mục